Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, công nhân Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP HCM), tính toán ngày lễ đi đâu cũng dễ gặp tăng giá nên chị đăng ký không nghỉ lễ để đi làm. Theo chị Nhàn, đi làm ngày lễ có thêm thu nhập giữa lúc kinh tế khó khăn và tránh chi tiêu đắt đỏ. Lúc nào thấp điểm, chị sẽ nghỉ bù.
Từ đầu năm tới nay, đơn hàng công ty của chị Nhàn sôi động hơn, thu nhập cũng tăng 10 - 15% so với trước. Dịp lễ năm nay, chị và nhiều công nhân công ty chỉ mong được làm thêm, tăng ca để kiếm thêm thu nhập, không dám nghĩ tới đi chơi hay về quê.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho hay tháng 4 ngoài kỳ nghỉ 30-4, 1-5 kéo dài 5 ngày còn có thêm ngày giỗ Tổ Hùng Vương (18-4). Dù đã tính toán, lên kế hoạch sản xuất song do lượng đơn hàng tăng mạnh nên công ty không tránh khỏi tất bật ngoài dự tính.
Ông Anh cho hay vẫn thực hiện chính sách nghỉ lễ trọn vẹn 5 ngày (đối với khối văn phòng) và 2 ngày (đối với khối sản xuất), tuy nhiên nếu người lao động có nhu cầu đi làm vẫn có thể đăng ký tự nguyện. Hiện công ty có một mã hàng cần giao gấp ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ (2-5) nên công ty yêu cầu người lao động tại bộ phận hoàn thành và đóng gói đi làm xuyên lễ.
"Công nhân đi làm ngày lễ có chế độ ưu đãi đặc biệt, được tăng thêm lương và thưởng thêm. Tổng thu nhập ngày lễ cao gấp 3 ngày thường, chưa kể có thêm phần thưởng vượt KPI và đánh giá tốt vào cuối năm" - ông Anh nói.
Chia sẻ về kế hoạch nghỉ của doanh nghiệp, ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM), cho biết chỉ một vài bộ phận nhỏ khối văn phòng được nghỉ 5 ngày, còn các bộ phận khác sẽ nghỉ đúng ngày lễ như chưa hoán đổi (2 ngày).
"Do công ty không hoán đổi ngày nghỉ nên tất cả người lao động được khuyến khích nghỉ số ngày hợp lý để sản xuất hàng hóa. Để được nghỉ 2 ngày lễ đúng quy định, công ty đã bố trí cho người lao động đi làm cả ngày chủ nhật (28-4). Hiện đơn hàng của doanh nghiệp đang ổn định, công nhân được tăng ca mỗi tuần nên rất phấn khởi" - ông Tâm nói.
Còn với vợ chồng anh Phan Văn Đàn (quê Trà Vinh) lễ, Tết là các dịp "hái ra tiền" khi tiền lương tăng gấp 3 lần. Vậy nên anh chị vẫn thường đăng ký làm xuyên lễ. Vợ chồng anh hiện làm phục vụ cho một nhà hàng tại quận 3, TP HCM. Anh cho hay được bố trí làm vào ngày 29, 30-4 và nghỉ vào ngày 1-5, tuy nhiên đồng nghiệp có kế hoạch về quê nên anh đã nhận đi làm thay.
"Vào những ngày lễ, lượng khách thường tăng cao. Dù đi làm trong những ngày này hơi mệt nhưng tiền lương cao hơn ngày thường. Không chỉ riêng vợ chồng tôi, nhiều nhân viên khác của nhà hàng cũng đã đăng ký đi làm để tăng thêm thu nhập. Sau lễ, chúng tôi dự định nghỉ phép 2 - 3 ngày để về thăm các con đang gửi ở quê nhờ ông bà chăm sóc" – anh Đàn nói.
Công ty không tổ chức làm xuyên lễ, tuy nhiên dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 chị Nguyễn Thị Tuyền (quê Sóc Trăng) sẽ nhận lượng hàng gia cồn gấp 3 lần so với ngày thường để làm thêm tại nhà. Chị Tuyền vốn là công nhân tại Công ty TNHH Pro Kingtex Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), thạo nghề may, vậy nên chị thường nhận ráp cổ áo, mổ túi quần, làm khuy… về gia công tại nhà sau giờ tan ca. Với mỗi sản phẩm hoàn thiện, chị sẽ được trả công từ 1.600 – 3.000 đồng. Dù phải luôn tay luôn chân với công việc, không có thời gian nghỉ ngơi nhưng giúp chị có thêm tiền trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình.
Chị Tuyền kể về quê hay đi chơi trong các dịp lễ sẽ rất tốn kém, vì chi phí rất cao. Trong khi cả 3 con đều đang trong tuổi ăn tuổi học, cần nhiều khoản phải lo, vì vậy chỉ ưu tiên chi tiền cho những nhu thiết yếu.
"Thương các con khi thấy bạn trong khu trọ được ba mẹ dẫn về quê, đi chơi, du lịch… cũng nôn nao lắm. Nhưng biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, vậy nên chẳng dám đòi hỏi. Tôi sẽ tranh thủ đi mua nấu vài món ngon đãi cả nhà, để các con khỏi phải tủi thân" – chị Tuyền tâm sự.