Sếp lớn BYD: ‘Tôi khâm phục VinFast, không đối đầu mà muốn cùng nhau xây dựng thị trường’

“Chúng tôi biết về việc VinFast đã bỏ ra rất nhiều sức lực tại Việt Nam. Chúng tôi rất khâm phục và tin rằng khi BYD gia nhập thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hội”, ông Liu Xueliang – Tổng giám đốc BYD Auto khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói.

“Nokia từng chiếm 30-40% thị phần điện thoại toàn cầu, rất thành công. Ngày xưa, mơ ước của mỗi chúng ta là sở hữu một chiếc điện thoại Nokia. Năm 2007 khi iPhone ra mắt, Nokia không coi đây là đối thủ. Nhiều doanh nghiệp khác cũng không đánh giá tốt về iPhone. Đến nay, tất cả đều biết kết quả thế nào. Việc không ngừng sáng tạo, không ngừng thay đổi mới là xu thế. Xe điện hiện nay chính là iPhone của năm 2007. Xe xăng truyền thống là Nokia ngày xưa”, ông Liu Xueliang – Tổng giám đốc BYD Auto khu vực châu Á – Thái Bình Dương mở đầu cuộc trao đổi lần đầu tiên với truyền thông Việt Nam trong cuộc gặp gỡ tại trụ sở của hãng vào cuối tháng 4/2024 tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Thương hiệu này sẽ chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 6 năm nay với 3 mẫu xe gồm Atto 3, Dolphin và Seal. Từ nay đến hết năm, hãng có thể đưa về thêm 3 mẫu xe khác gồm Seal Lion 6, Han và Tang với mục tiêu bán khoảng 5.000 xe trong 6 tháng cuối năm.

Sếp lớn BYD: ‘Tôi khâm phục VinFast, không đối đầu mà muốn cùng nhau xây dựng thị trường’- Ảnh 1.

Ông Liu Xueliang - Tổng giám đốc BYD Auto châu Á - Thái Bình Dương.

Thị trường Việt Nam rất quan trọng nên chọn gia nhập cuối cùng

Tại sao BYD chọn gia nhập thị trường Việt Nam muộn như vậy trong khi đã xuất hiện ở hầu hết thị trường lớn tại Đông Nam Á từ năm ngoái?

Trước tiên nói về thị trường Đông Nam Á, BYD đã gây đựng dược những thành công nhất định. Tại Thái Lan, chúng tôi đang tạo ra hiện tượng. Sau khi BYD công bố bán hàng, người dùng Thái Lan đã xếp hàng để mua xe. 10 năm trước, người dùng xếp hàng chờ mua iPhone còn 10 năm sau thì xếp hàng mua xe điện của BYD. Sau 1 năm, chúng tôi đã chiếm 40% thị phần xe điện tại Thái Lan, trong khi Malaysia là 44%.

Thị trường Việt Nam rất quan trọng với BYD nên chúng tôi chọn gia nhập cuối cùng. Thực tế, cái “duyên” của BYD và Việt Nam đã có từ lâu. Chúng tôi có nhà máy điện tử tại Phú Thọ, nơi cung cấp hàng hoá, sản xuất cả iPad cho Apple. Chúng tôi cũng thường xuyên đưa các cán bộ tại đây sang trụ sở của hãng để đào tạo.

BYD ra mắt muộn tại Việt Nam vì không muốn chỉ đem về một vài mẫu xe mà muốn xây dựng một hệ sinh thái. Ô tô điện là ngành rất khó phát triển nếu chỉ có 1 vài doanh nghiệp, cần sự ủng hộ của chính phủ và các ngành phụ trợ mới có thể phát triển.

Quy mô thị trường Việt Nam hiện nhỏ hơn khá nhiều so với những thị trường như Thái Lan, ông có đánh giá gì về tiềm năng thị trường?

Quy mô thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ vượt Thái Lan vì quy mô dân số lớn hơn. Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 100 triệu dân, người dùng trẻ, ủng hộ công nghệ mới rất nhiều. BYD mong muốn có thể đóng góp cho sự phát triển của thị trường xe điện Việt Nam.

Các bước đi cụ thể của BYD là gì? Kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam của các ông ra sao, làm trạm sạc thế nào?

Chúng tôi đang tích cực làm việc với các đối tác để tìm kiếm sự phát triển phù hợp. Chúng tôi cần sự chung sức của nhiều đối tác, doanh nghiệp và cả các địa phương để có thể đem đến sự thay đổi lớn. BYD tin rằng nếu chúng ta cùng chung tay xây dựng một hệ sinh thái cho xe điện, chúng ta sẽ tạo ra cơ hội việc làm lớn cho người dân, cơ hội cho các doanh nghiệp.

Về nhà máy tại Việt Nam, chúng tôi vẫn đang có kế hoạch của mình nhưng xin phép sẽ chia sẻ kỹ hơn vào một thời điểm phù hợp.

Về trạm sạc, hiện có nhiều doanh nghiệp chờ đợi đầu tư vào lĩnh vực này. 10 năm trước khi BYD phát triển xe điện, chúng tôi phải tự làm trạm sạc tại Thâm Quyến nhưng đến khi xe điện trở nên phổ biến, nhiều nhà đầu tư đã đến và làm công việc này.

Sếp lớn BYD: ‘Tôi khâm phục VinFast, không đối đầu mà muốn cùng nhau xây dựng thị trường’- Ảnh 2.

BYD Dolphin, một trong những mẫu xe của hãng sẽ về Việt Nam trong tháng 6 năm nay.

Không làm trạm sạc, muốn cùng VinFast phát triển thị trường thay vì đối đầu

Tức là các ông sẽ không trực tiếp đầu tư làm trạm sạc?

BYD sẽ không trực tiếp đầu tư. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có thể làm được việc đó, không cần BYD làm. Chúng tôi sẽ mời các nhà đầu tư trong nước hoặc doanh nghiệp có nhà máy ở Việt Nam thực hiện việc này.

Các ông sẽ dùng chiến lược gì để cạnh tranh với VinFast tại Việt Nam, mục tiêu của BYD khi gia nhập thị trường là gì?

Ban đầu, mục tiêu chúng tôi nhắm đến sẽ không phải doanh số mà là chúng tôi có thể đem được đến gì cho thị trường.

Với VinFast, chúng tôi không coi họ là đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh trên thị trường xe điện tại Việt Nam còn chưa bắt đầu. BYD rất khâm phục VinFast. Họ đã nỗ lực rất nhiều tại Việt Nam, đưa ra khái niệm về xe điện cho người dùng Việt Nam biết xe điện là gì. Chúng tôi mong muốn chung tay cùng VinFast để phát triển ngành xe điện tại Việt Nam.

Quan điểm của BYD là hợp tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ ô tô truyền thống sang xe điện, cùng phát triển thị trường.

Trở lại thị trường quốc tế, tại Trung Quốc và nhiều thị trường lớn, cuộc đua giảm giá đang diễn ra rất khốc liệt, chiến lược của BYD là gì để tồn tại?

Theo tôi, việc giảm giá để cạnh tranh là bình thường. Nếu nói là bí quyết thì BYD không có bí quyết gì cả nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải nắm giữ kỹ thuật. Chúng tôi hiện có năng suất khoảng 3 triệu xe/năm và mong muốn có thể là một trong những hãng đi đến cuối cùng của cuộc chơi này.

Không ai biết trước được tương lai nhưng theo kinh nghiệm từ quá khứ, muốn phát triển bền vững, lâu dàu phải phải nắm giữ công nghệ cốt lõi. BYD hiện có hơn 90.000 kỹ thuật viên tham gia vào R&D. Chúng tôi sẽ duy trì việc nghiên cứu công nghệ kỹ thuật xe điện.

DNA của chúng tôi là sáng tạo, đổi mới. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới công bố ngừng sản xuất xe xăng để thể hiện sự cam kết với ngành này.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/sep-lon-byd-toi-kham-phuc-vinfast-khong-doi-dau-ma-muon-cung-nhau-xay-dung-thi-truong-a99437.html