Trong những ngày tháng Tư lịch sử, từng đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến thăm viếng Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, thành kính thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương, dâng hiến trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước, đang yên nghỉ nơi đây.
Chốn “địa ngục trần gian”
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là trại giam lớn nhất của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam, giam giữ hơn 40.000 tù binh là các chiến sĩ yêu nước và dân thường bị bắt trong các cuộc chiến đấu, càn quét ở khắp các tỉnh, thành miền Nam.
Với 7 năm hoạt động (1967 – 1973), áp dụng hơn 40 hình thức tra tấn dã man đối với tù binh, nơi đây đã giết hại hơn 4.000 người. Số người còn sống trở về hầu hết mang thương tật suốt đời, đau yếu bởi di chứng của đòn roi tàn bạo trong lao tù.
Ông Mai Văn Bé (sinh năm 1949), Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang chia sẻ, ông bị thương và bị bắt trong đợt tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968. Địch giam ông ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc cho đến khi được trao trả năm 1973.
Ngay từ khi bị bắt vào tù, ông đã nghĩ đến việc móc nối với tổ chức Đảng trong khu giam giữ. Ông đã đứng ra xây dựng lực lượng trong nhà tù, tham gia nhiều cuộc đấu tranh và từng đứng đầu một chi bộ trong khu giam giữ.
“Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tôi và đồng đội vẫn kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, tìm mọi cách, mọi hình thức có thể để sớm về với cách mạng, với Đảng, vững chắc niềm tin nhất định đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, ông Mai Văn Bé kể lại.
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được xây dựng trên diện tích 400ha, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D). Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt.
Chuồng cọp kẽm gai là một trong những sáng chế dã man nhất mà Mỹ - Ngụy đã dùng để hành hạ, tra tấn tù binh tại nhà tù Phú Quốc. Phân khu nào cũng có 2-3 chuồng cọp kẽm gai được tạo ra bằng cách đan chằng chịt dây kẽm gai xung quanh và trên nóc.
Có nhiều loại với kích thước khác nhau, có loại chúng nhốt một người, có loại chúng nhốt 3-5 người. Có loại người tù phải nằm dưới đất cát; có loại người tù chỉ đứng lom khom, có loại chỉ ngồi. Tất cả các loại chuồng cọp này chỉ cần người tù nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế đều bị kẽm gai đâm vào cơ thể, da thịt sẽ tứa máu, đau đớn vô cùng..
Tù binh khi bị phạt nhốt vào chuồng cọp sẽ bị bọn giám thị bắt phải cởi hết quần áo, chỉ cho mặc mỗi quần cụt để phơi nắng, mưa, sương gió suốt ngày đêm. Ở đây tù binh chỉ được ăn một ít cơm với muối hoặc không có muối phải ăn nhạt; mỗi ngày chỉ được 1-2 ca nước uống, phải đi vệ sinh tại chỗ.
Những đêm lạnh cóng chúng cho dội nước lên người mà chúng gọi là giải khát cho cọp hoặc rửa chuồng. Những ngày nóng nực, chúng cho dội nước muối lên người và gọi là ướp cho mau lên cân, có khi chúng cho đốt lửa cạnh chuồng cọp. Tù binh bị nhốt trong chuồng cọp vài ngày là toàn thân bị lột da.
Nhiều người bị nhốt lâu ngày, da non mọc lên lại bị cháy, bị lột nhiều lần. Nhiều người chịu đựng không nổi với cái nóng, cái lạnh, đói khát nên đã anh dũng ngã xuống tại nơi bị giam cầm.
Hào khí anh hùng Cách mạng nơi “địa ngục trần gian”
Không chỉ dùng các hình thức tra tấn, chỉ huy Trại giam còn ra lệnh cho cấp dưới nổ súng vào trại giam làm nhiều tù binh chết và bị thương. Trong cuộc chiến với súng đạn, đòn thù này, người chiến sỹ trong tù chỉ có sức mạnh của ý chí, lòng tin vào lý tưởng, lòng tin vào thắng lợi của cách mạng.
Ông Đinh Duy Điệp, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị - tù binh tỉnh Ninh Bình cho biết, chúng đã sử dụng hơn 40 kiểu tra tấn, áp dụng cả những kiểu tra tấn của thời trung cổ đối với tù binh như: Luộc người trong chảo nước sôi, nướng người trên lửa, đục tháo xương, dùng thuôn sắt nung đỏ xuyên vào bắp thịt, đóng đinh vào người, bẻ răng, tuốt móng tay, đun sôi nước xà phòng đổ vào mồm, cho tù binh vào bao tải dùng than hồng hoặc nước đun sôi dội lên người làm người tù binh giãy dụa trong bao, da thịt bị tuột ra, dùng kim đâm vào các đầu ngón tay đốt trên lửa.
Rất nhiều tù binh bị chúng treo lên, dùng roi đuôi cá đuối, cán búa bổ củi, roi quấn bằng dây điện đánh khắp người làm da thịt bị xé nát, máu chảy khắp người. Chúng dùng búa đinh, vồ gỗ, dùi cui đánh vào các khớp xương làm vỡ mắt cá chân, vỡ đầu gối, vỡ khuỷu tay. Chúng dùng ván, ép lên ngực rồi rọi đèn điện công suất cao vào mắt, có anh bị nổ mắt, hy sinh ngay trong lúc bị tra tấn. Chúng còn chôn sống tù binh, xả súng thẳng vào Trại giam giết chết nhiều người.
Bản thân ông Đinh Duy Điệp đã 5 lần bị địch bắt ra phòng giám thị trưởng khu và bắt lên ban điều hành trại giam tra tấn. “Nhưng mọi đòn roi của kẻ địch đã không khuất phục được chúng tôi. Chúng tôi đã sống hiên ngang và dũng cảm. Có anh khi địch tra tấn bằng kiểu đâm kim vào ngón tay rồi đốt trên ngọn lửa, anh đã giật kim trong tay địch, tự đâm kim vào ngón tay mình, quấn bông nhúng vào cồn, đốt lửa cháy và dơ bàn tay bốc lửa lên trước mặt chúng. Có anh khi bị địch đánh gẫy răng đã nhổ cả nước bọt lẫn máu và răng gẫy vào mặt kẻ đang tra tấn mình”, ông Điệp xúc động kể lại.
Nhớ lại những lần tổ chức vượt ngục, ông Nguyễn Văn Mỹ (tên chiến đấu là Nguyễn Ngọc Toản hay còn gọi là Ba Toản) kể, có khoảng 2 tháng ở nhà tù Phú Quốc, lợi dụng khi đi lao động, làm vệ sinh, ông tranh thủ quan sát xung quanh nhà tù.
Ông nhớ lại: “Nhờ có các đồng chí trong tù ngầm giúp đỡ và kỹ năng trinh sát đặc công đã được huấn luyện từ miền Bắc, đêm 22/6/1968, tôi cùng 5 tù binh là các đồng chí: Tiến, Minh, Hoạch, Thu, Dũng vượt ngục Phú Quốc. Chúng tôi bỏ lại hết quần áo ở trại giam, chỉ mặc quần xà lỏn, dùng bùn trát lên người, khi bùn khô, chúng tôi theo rãnh thoát nước, chui qua các lớp rào thép gai, vượt qua tháp canh của địch...”
Gồng mình trước những đòn tra tấn của địch gần như không còn con đường sống, nhiều anh em, đồng chí may mắn thoát chết. Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.
“Tôi và đồng đội vẫn kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, tìm mọi cách, mọi hình thức có thể để sớm về với cách mạng, với Đảng, vững chắc niềm tin nhất định đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau 2 đêm vượt ngục, chúng tôi tìm đến xã Dương Tơ là cơ sở Cách mạng của ta ở Phú Quốc. Sau đó, chúng tôi được tiếp nhận và tham gia lực lượng vũ trang địa phương, cơ sở đứng chân ở ấp Mới, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang)”, ông Mỹ chia sẻ.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nha-tu-phu-quoc-hao-khi-anh-hung-giua-dia-nguc-tran-gian-a99332.html