Nhiều lần phải hủy đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần làm gì?

Hai phiên đấu thầu vàng đã bị hủy chỉ trong vài ngày do không đủ số lượng đơn vị tham gia, chuyên gia cho rằng vẫn còn những bất cập cần điều chỉnh.

Chuyên gia Trần Duy Phương nhận định, lý do chính khiến những phiên đấu thầu vàng vừa qua thu hút được rất ít đơn vị tham gia, thậm chí Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hủy là do quy định số lô vàng trúng thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng.

“ Quy định này đang khiến nhiều doanh nghiệp e dè vì nhu cầu của họ chưa đến mức này. Ví dụ họ mới bán ra khoảng 200 lượng mà phải mua vào 1.400 lượng là vượt quá nhu cầu. Nếu NHNN sửa quy định số lô trúng thầu tối thiểu từ 14 lô xuống 4-5 lô, tức là khoảng 400 - 500 lượng vàng, tôi chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vàng tham gia đấu thầu hơn ", ông nói.

Tuy vậy, ông Phương cũng dự đoán các phiên đấu thầu vàng miếng sau kỳ nghỉ lễ 30/4 sẽ khởi sắc hơn. Bởi qua kỳ nghỉ này, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vàng miếng có thể bán thêm được hàng nghìn lượng vàng, lúc đó họ sẵn sàng đấu thầu mua về số lượng vàng đã bán để cân bằng trạng thái.

“Có thể trong lễ họ bán được 5.000 - 6.000 lượng vàng và sẵn sàng tham gia đấu thầu 14 lô hoặc gấp đôi để bù vào kho số lượng vàng đã bán" , ông bày tỏ.

Nhiều lần phải hủy đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần làm gì?- Ảnh 1.

Hai phiên đấu thầu vàng miếng đã bị hủy chỉ trong vài ngày do không đủ số lượng đơn vị tham gia (Ảnh minh họa)

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, NHNN cũng nên xem lại mức giá tham chiếu. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.

" Bỏ ra một số tiền lớn tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện làm sao để kinh doanh có lãi đã. Do đó, muốn những phiên đấu thầu vàng tiếp theo hiệu quả hơn, NHNN cần xác định mức giá đấu thầu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, mới dễ dàng thu hút họ ", ông Thịnh nói.

Trong khi đó, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết, có quá ít hoặc không có đơn vị nhận thầu vàng chứng tỏ quy định đấu thầu vàng vẫn còn những điều kiện chưa hợp lý, chưa đảm bảo được việc hạn chế rủi ro cho các tổ chức tham gia đấu thầu.

Hiện tại, nguồn vốn đang là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp, phần nào tác động đến quyết định tham gia đấu thầu của họ khi phải thực hiện mua vàng với khối lượng lớn.

Do đó, nếu các điều kiện đấu thầu được NHNN sửa lại cho đủ hấp dẫn, doanh nghiệp có thể cân đối được rủi ro thì sẽ có nhiều tổ chức tham gia đấu thầu vàng hơn.

Thị trường có thiếu vàng?

Thời gian qua, khi giá vàng trong nước tăng cao không ngừng, một trong những nguyên nhân được đưa ra là do nguồn cung khan hiếm. Nhưng khi NHNN bán đấu thầu vàng để tăng cung thì thị trường lại hấp thụ rất thấp. Điều này khiến nhiều người băn khoăn thị trường vàng có thật sự thiếu nguồn cung?

“ Đây là vấn đề đến bây giờ tôi vẫn cho rằng cần phải đánh giá lại, nhất là sau các đợt tung vàng ra thị trường. Nếu thiếu cung thì người ta phải mua vàng, thậm chí chấp nhận mua với giá cao. Nhưng nếu không quá thiếu, họ sẽ cân nhắc giá thầu để làm sao không bị lỗ. Thậm chí là không mua thêm mà chỉ kinh doanh bằng dự trữ vàng sẵn có ", một chuyên gia phân tích.

Theo chuyên gia Trần Duy Phương, cung vàng tại các doanh nghiệp là có thiếu, nhưng không thiếu nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đấu thầu chỉ để mua số lượng vàng cần thiết, đúng theo nhu cầu kinh doanh.

“ Ví dụ tuần trước họ bán âm khoảng 1.000 lượng thì họ cần mua vào 1.000 lượng để bù lại trạng thái đã bán và mua vào dư một chút để bán lẻ hoặc phục vụ các nhu cầu khác. Lúc này họ sẽ tham gia đấu thầu.

Nhưng nếu trước đó họ chỉ bán ra khoảng 500 lượng, mà quy định đấu thầu lại yêu cầu phải mua ít nhất 1.400 lượng thì cung lại vượt cầu. Do đó, điều kiện này đang cản trở các doanh nghiệp tham gia đấu thầu ", ông phân tích.

Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng thời điểm hiện tại, giá vàng biến động khó lường và đầy rủi ro, chắc chắn không có doanh nghiệp nào mua vàng để đầu cơ. Vì thế, nhu cầu càng không quá cao.

Trước đó, sáng 25/4, phiên đấu thầu vàng đã bị hủy bỏ do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Đây là lần thứ hai NHNN phải hủy đấu thầu vàng miếng. Trước đó, ngày 22/4, NHNN đã hủy lần thứ nhất cũng do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.

Như vậy, trong ba phiên tổ chức đấu thầu vàng miếng, chỉ có một phiên thành công vào ngày 23/4. Tuy vậy, lượng vàng bán được chỉ là 3.400 lượng trong tổng số 16.800 lượng vàng miếng SJC tung ra, giá trúng thầu là hơn 81,3 triệu đồng/lượng.

Trong phiên đó, chỉ có 11 doanh nghiệp tham gia và 2 doanh nghiệp trúng thầu.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nhieu-lan-phai-huy-dau-thau-vang-ngan-hang-nha-nuoc-can-lam-gi-a99025.html