Cung cấp thông tin tin cậy trong quyết định dự toán NSNN
Là cơ quan về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập theo luật định, hoạt động kiểm toán của KTNN đã phục vụ tích cực cho việc kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước trong quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản của Nhà nước; thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Trong nhiều năm qua, KTNN đã chủ động thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, trong đó tập trung vào báo cáo kiểm toán tài chính để giúp Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN và HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP). Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã cung cấp thông tin giúp cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) và các Ủy ban của Quốc hội sử dụng trong quá trình thẩm tra và giám sát về quyết toán NSNN.
Theo đó, báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại và kiến nghị xử lý tài chính nhiều vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả những hạn chế trong việc lập, phân bổ, giao dự toán NSNN, làm cơ sở cho việc thảo luận, quyết định dự toán NSNN năm sau của Quốc hội và HĐND các cấp, cung cấp thông tin phục vụ cho Quốc hội, HĐND các cấp quyết định dự toán NSNN và NSĐP.
Phải nói rằng, những đóng góp tích cực của KTNN là rất có giá trị nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu có độ tin cậy cao để giúp Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) và phê chuẩn quyết toán NSNN; HĐND các cấp quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán NSĐP.
Đặc biệt, với khuôn khổ pháp lý về KTNN không ngừng được hoàn thiện đã thúc đẩy vai trò ngày càng cao của KTNN thông qua việc "pháp lý hóa" ở mức độ cao hơn trong quy định của Hiến pháp và Luật KTNN. Từ sau khi Luật KTNN và Luật NSNN được ban hành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hằng năm. Đồng thời, KTNN cũng đã có ý kiến chính thức bằng văn bản về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hằng năm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách sử dụng trong quá trình thẩm tra.
Sự tham gia của KTNN đã cung cấp những thông tin cần thiết cho việc thẩm tra dự toán NSNN tại các Ủy ban của Quốc hội và hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ý kiến nhận xét, đánh giá, xác nhận của KTNN về các tồn tại trong quá trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán NSNN là những tài liệu quan trọng cung cấp cho cơ quan dân cử để thảo luận, thẩm tra và xem xét quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán NSNN.
Quốc hội cần đề cao vai trò của KTNN trong phối hợp thẩm tra dự toán NSNN
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua cho thấy, các ý kiến tham gia đóng góp của KTNN đối với dự toán NSNN hằng năm còn hạn chế, nhất là về mức độ hợp lý của từng chỉ tiêu thu, chi ngân sách, tính chính xác của số liệu, cũng như địa chỉ các khoản thu, chi NSNN không hợp lý của năm hiện hành và năm kế hoạch.
Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như: Công tác lập dự toán ngân sách ở địa phương còn nhiều hạn chế. Hầu hết các tỉnh, thành phố lập dự toán số thu thấp, số chi cao, dẫn đến địa phương vượt dự toán thu khá lớn, trong khi nhiều khoản chi vượt dự toán (cá biệt có địa phương chi vượt đến 200% dự toán). Điều đó cho thấy chất lượng công tác lập, thẩm định dự toán NSNN thấp, nên còn nhiều các khoản thu, chi chưa được quản lý chặt chẽ, chưa đưa vào dự toán NSNN để trình Quốc hội và HĐND các cấp quyết định...
Mặt khác, thời gian thẩm tra dự toán và quyết toán NSNN còn quá ngắn do tài liệu của Chính phủ gửi cho KTNN và cơ quan thẩm tra chậm. Thực tế, sau khi có tài liệu của Chính phủ, Ủy ban TCNS chủ trì cùng Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội chỉ có vài ngày (thậm chí 3 - 5 ngày) để thẩm tra. Điều này đã gây khó khăn cho việc thẩm tra, đánh giá, cho ý kiến của các cơ quan Quốc hội, nhất là đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Từ thực trạng trên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, vai trò của KTNN đối với việc xây dựng dự toán và quyết toán NSNN, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là: Cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của KTNN trong quá trình tham gia thẩm tra dự toán NSNN, phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm. Đồng thời, cần cụ thể hóa cơ chế phối hợp giữa Ủy ban TCNS với KTNN theo hướng: Uỷ ban TCNS nêu ra các vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện. Chẳng hạn như, giám sát về đầu tư công thì KTNN cần cung cấp thông tin thất thoát bao nhiêu, ở khâu nào, số kinh phí thất thoát bằng bao nhiêu % so với tổng mức vốn đầu tư, có bao nhiêu công trình kém hiệu quả trên tổng số các công trình đầu tư công v.v...). Từ các vấn đề do Ủy ban TCNS của Quốc hội đưa ra, KTNN cần tập trung làm rõ để phục vụ yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai là: Qua kết quả kiểm toán một số năm liền kề, KTNN cần cung cấp thông tin và đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN năm hiện hành trên cơ sở một số nội dung như: kết quả đạt được về thu, chi; quản lý và điều hành NSNN của các Bộ, ngành, địa phương; các chỉ tiêu ước thực hiện thu, chi NSNN đã sát thực tế và hợp lý chưa? Những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và khả năng hoàn thành dự toán NSNN (trong đó phân tích sâu những tồn tại và khả năng tăng thu NSNN ở các lĩnh vực, các khu vực kinh tế: DNNN, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài, thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu…; những lĩnh vực chi vượt dự toán, chi không đạt dự toán, mức độ tăng chi quản lý hành chính...). Đồng thời, kiến nghị giải pháp điều hành NSNN trong năm hiện hành và năm kế hoạch.
Ba là: Qua kết quả kiểm toán, cần đánh giá những yếu tố thụân lợi, không thụân lợi tác động đến dự toán NSNN năm sau. Trong đó, cần đánh giá dự toán thu, chi NSNN theo báo cáo của Chính phủ đã hợp lý chưa? Nếu chưa thì cần tăng, giảm ở những khoản thu, khoản chi nào? Tại sao? Tình hình nợ đọng thuế, trốn thuế và khả năng thu hồi các khoản nợ đọng này. Cơ sở, căn cứ và tính hợp lý của phương án phân bổ NSTW, xác định số bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP hằng năm? Kiến nghị giải pháp trong quản lý, điều hành NSNN hằng năm .
Bốn là: Cơ quan KTNN cần nâng cao tính độc lập, khách quan, có đủ thời gian xem xét và tham gia ý kiến về dự toán NSNN, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hằng năm trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quốc hội cần đề cao vai trò của KTNN khi tham gia phối hợp thẩm tra dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW; cung cấp thông tin kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hằng năm để trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN và HĐND phê chuẩn quyết toán NSĐP.
Năm là: Các cơ quan của Chính phủ cần kịp thời báo cáo cung cấp thông tin về dự toán NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN cho các cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra, bảo đảm tính đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Bởi quá trình này đòi hỏi phải có nhiều thông tin, về nhiều vấn đề, trên nhiều lĩnh vực như: Thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị kinh tế, từng ngành, từng vùng, từng lĩnh vực của nền kinh tế; tình hình thực hiện ngân sách của từng Bộ, cơ quan trung ương và của từng địa phương; số liệu về tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu có liên quan, quy định của pháp luật về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, khả năng thu ngân sách; nhu cầu vốn đầu tư phát triển và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đối với chi đầu tư phát triển, cần phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch, danh mục công trình, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thực trạng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ theo từng năm...
Những thông tin này rất quan trọng là cơ sở căn cứ để KTNN đánh giá, cho ý kiến về dự toán và quyết toán NSNN cũng như phục vụ cho Ủy ban TCNS trong quá trình thẩm tra dự toán và quyết toán NSNN hằng năm.