Bán "vàng từ rừng", Quảng Bình thu hơn 80 tỷ đồng, có chủ rừng được chia đến 20 tỷ

Quảng Bình đang là tỉnh có tỷ lệ chi trả cao nhất trong số các tỉnh nhận tiền từ việc bán tín chỉ carbon từ rừng.

Hồi cuối tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng, cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - cho biết với Tuổi Trẻ khoản chi trả này là bước ngoặt, đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên được chi trả tiền bán tín chỉ carbon.

Bán

Tín chỉ carbon rừng là một trong số các hình thức tín chỉ carbon đang được giao dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hơn 80 tỷ đồng tỉnh này nhận được sau khi bán tín chỉ carbon đã được chia về tận tay các chủ rừng. Riêng về các hộ dân được giao rừng thì có hơn 1.000 hộ đã được nhận khoản tiền này.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức cuối tuần qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Quốc Tuấn cho biết việc chia tiền thu được nhờ bán tín chỉ carbon rừng được thực hiện theo Nghị định số 107/2022 của Chính phủ.

Quảng Bình là một trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhận hơn 20 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ carbon

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp Quảng Bình, có hơn 10.760 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã nhận được tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng lần này. Cùng đó, 71 UBND xã và 25 tổ chức là chủ rừng cũng nằm trong diện được nhận tiền.

"Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại chưa chi trả sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định", ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Trong số trên, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là chủ rừng được chi trả nhiều nhất, hơn 20 tỷ đồng.

Bán

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là chủ rừng được chi trả nhiều nhất trong đợt chi trả tín chỉ carbon rừng lần này.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trên địa bàn các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Diện tích Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng là 123.326 ha, gồm 3 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha), phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha), phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha).

Năm 2003, UNESCO công nhận Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và vào 3/7/2015 tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ 2 là Di sản thiên nhiên thế giới dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.

Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.065,27 km2, trong đó 85% diện tích là đồi núi nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 68,69%.

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/ban-vang-tu-rung-quang-binh-thu-hon-80-ty-dong-co-chu-rung-duoc-chia-den-20-ty-a98637.html