Dư địa của ngành làm đẹp còn rất lớn
Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề: “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững” tổ chức chiều 19/4, ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch Hội khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam cho biết thị trường làm đẹp là thị trường đầy tiềm năng, không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam.
Theo thống kê, năm 2023 riêng thị trường mỹ phẩm đã đạt trên 400 tỷ đô la, riêng tại Việt Nam con số khoảng 1,1 tỷ đô la. “Dư địa của ngành làm đẹp cũng như ngành mỹ phẩm còn rất lớn”, ông Hoàng nói.
Lý do được ông Hoàng đưa ra, đó là tầm nhìn năm 2050 đất nước ta là một đất nước phát triển. Do đó, ngoài nhu cầu "cơm no áo ấm" thì làm đẹp, chăm sóc cơ thể…là nhu cầu thiết yếu.
Theo Euromonitor International, thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỷ USD vào năm 2027, mới mức độ tăng trưởng kép hàng năm từ 15-20%.
Tại Việt Nam, thời gian qua ngành làm đẹp đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel, tổng giá trị thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam vào khoảng 2,63 tỷ USD và được dự đoán tăng trưởng với tốc độ 3,32%/năm đến năm 2027.
Dù có sự tăng trưởng nhưng ngành làm đẹp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ; công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại; vấn đề hàng giả hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ còn “nhập nhèm” trên thị trường... Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty mỹ phẩm nước ngoài, thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp Việt bị thu hẹp.
Thêm vào đó, ngành Mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, là xu hướng sử dụng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ ngày càng tăng buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh.
Đang xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm
Phát biểu tại diễn đàn, ông Chu Quốc Thịnh – Trưởng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, kinh tế Việt Nam có những bước tiến lớn, giữ được đà tăng trưởng, ổn định lạm phát, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên. Đi kèm với đó là nhu cầu làm đẹp, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người Việt cũng có xu hướng gia tăng.
"Với dân số khoảng 100 triệu người, đứng thứ 12 trên thế giới về dân số, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm", ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho biết, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn, điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường nhiều tiềm năng và thu hút.
Hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất.
Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Một số thương hiệu mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng tạo dựng được một vị thế nhất định và xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, Trưởng phòng quản lý Mỹ phẩm cũng chỉ ra, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại.
Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước có 965 cơ sở, tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Asean.
Cùng với đó, với chiến lược truyền thông mạnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần lớn. Vì thế, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ...
Ngoài ra, với việc xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm mới, thị trường dấn đến cạnh tranh mạnh khốc liệt và khó khăn hơn để giữ chân được khách hàng.
Cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt các sản phẩm này được kinh doanh trên các sản thương mại điện tử, các nền tảng thương mại (zalo, Facebook…), người tiêu dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn và chất lượng.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên ông Thịnh cho rằng ngành làm đẹp nói chung, ngành mỹ phẩm nói riêng vẫn còn nhiều cơ hội.
"Theo dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ", ông Thịnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để phát triển ông Thịnh chia sẻ doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tính bền vững, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Để tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường mỹ phẩm, ông Thịnh cho biết, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm. Bộ hồ sơ đề xuất Nghị định đang trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025.
Ông Thịnh cũng cho hay, việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử).
Đồng thời, hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.
Cùng với đó, tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/du-bao-thi-truong-my-pham-viet-nam-tiep-tuc-phat-trien-manh-a98262.html