Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng NSTW, 2.000 tỷ đồng NSĐP); vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỷ đồng.
Giá trị phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình (không bao gồm chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng, bên mời thầu, chi phí của hội đồng thẩm định, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) là 3.719 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài 60km. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.
Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành góp phần giảm thiểu tai nạn, ách tắc xảy ra tại nút giao của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với Quốc lộ 1.
Đây là đoạn tuyến đầu của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ cùng với Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, góp phần tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Đèo Cả, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn những vướng mắc kéo dài về phương án tài chính bởi cho đến thời điểm hoàn thành vẫn chưa có vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Cùng với với các nguyên nhân khách quan như cắt giảm trạm thu phí, giảm giá vé… dẫn đến doanh thu thực tế rất thấp, hiện nay chỉ đạt khoảng 32% so với PATC ban đầu. Ngân hàng cung cấp tín dụng dừng giải ngân. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, nhà thầu tham gia vào dự án.
Việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến “cao tốc cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay, là cơ sở để các bên khi tham gia các Dự án PPP ý thức được trách nhiệm của mình để khi gặp khó hãy cùng nhau kiên định đồng hành tháo gỡ.
Khi Dự án gần như rơi vào bế tắc, ngày 16/1/2023, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng đã yêu cầu quay lại làm việc ngay với tỉnh Lạng Sơn để thúc đẩy việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Điều đó khẳng định đối với những Dự án đầu tư PPP khó khăn nếu có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt sự ủng của nhân dân thì chắc chắn “Khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành ” như lời của Bác đã nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Để đi đến mốc khởi công dự án, chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai dự án sẽ còn nhiều khó khăn chờ đợi phía trước nhưng Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và liên danh nhà đầu tư nói chung xin hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”. “Chúng tôi sẽ lấy công trường Dự án làm nơi thao trường đào tạo thực chiến không chỉ cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn cho các doanh nghiệp khác, cùng phát triển khi thực hiện những giải pháp đầu tư PPP++, tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ Bim để quản lý chất lượng và tiến độ Dự án…”.
Trước đó, ngày 6/3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xem xét hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán lưu lượng và doanh thu của tuyến cao tốc “cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay.
Tháng 4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định số 688/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư tham gia duy nhất và trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo cả đứng đầu. Đây cũng là nhà đầu tư đã “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.
Tại dự án này, Liên danh nhà đầu tư áp dụng mô hình PPP++ là giải pháp đa dạng hoá nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP hiện nay:
P1++ là phần vốn ngân sách Nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn ngân sách địa phương
P2++ là vốn chủ sở hữu
P3++ là vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BCC, nguồn vốn nước ngoài, từ các nhà đầu tư thứ cấp…
Theo mô hình này, nhà thầu tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, dự án được triển khai thi công theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công, hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.
Trong bối cảnh nhiều dự án được triển khai đồng loạt với nhiều khó khăn thách thức, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả thực hiện.
Chủ động hợp tác với các đơn vị đào tạo để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành và ứng dụng công nghệ cho kỹ sư. Thông qua đào tạo để đúc kết nhằm cải tiến mô hình, nâng cao chất lượng quản lý, thi công cho doanh nghiệp. Xác định mỗi công trường là một thao trường để rèn giũa đội ngũ CBCNV. Tăng cường tập huấn quy tắc ứng xử, kỹ năng xử lý các vấn đề thực tế trên công trường dự án.
Ứng dụng công nghệ số, mô hình thông tin công trình (BIM) để kiểm soát hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí thực hiện dự án.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng chính phủ, quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn và kinh nghiệm thực hiện thành công Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, Liên danh nhà đầu tư nỗ lực thực hiện Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, nhà nước và mong mỏi của người dân, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.