"Bão giá" cà phê, nhiều vụ tranh chấp hợp đồng kéo nhau ra tòa

Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, đề nghị giữa người mua và người bán nên cùng nhau đàm phán, thỏa thuận để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ giá cả khi giá cà phê tăng cao đột ngột.

Đó là thông điệp được ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), nêu ra tại hội nghị ban chấp hành VICOFA mở rộng tại TP HCM ngày 11-4.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: Neumann, JDE,… đã nêu tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, một số đối tác chậm giao hàng thậm chí không thực hiện hợp đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cà phê Việt Nam và tương lai cà phê Việt Nam có thể bị thay thế bởi các nguồn cung giá rẻ hơn như cà phê Brazil, Indonesia.

Ông Nguyễn Đăng Miền, đại diện Công ty Nestlé Việt Nam, nói rằng cà phê Việt Nam rất quan trọng với Nestlé. DN đã xây dựng chương trình cà phê bền vững tại Việt Nam từ năm 2011. Nhưng 2 năm qua, do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu nên Nestlé không có cách nào khác đành phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để ổn định sản xuất.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VICOFA, nói rằng việc giá cà phê tăng gấp đôi chỉ trong nửa năm, nhiều nhà cung ứng để giữ chữ tín đã phải bán nhà để mua hàng giá cao thực hiện những hợp đồng giá thấp. "Tất nhiên, cũng có các đối tượng lợi dụng tình hình để trục lợi, là những con sâu làm rầu nồi canh. Tôi được biết có những vụ tranh chấp thương mại đã được gửi ra tòa án, chờ xét xử" – ông Đỗ Hà Nam thông tin.

"Bão giá" cà phê, nhiều vụ tranh chấp hợp đồng kéo nhau ra tòa- Ảnh 1.

Hội nghị VICOFA thu hút đông đảo các DN tham gia

Tại hội nghị, đại diện VICOFA cũng nêu nguyên nhân sâu xa của việc giá cà phê tăng trong 2 năm qua là bởi nông dân Việt Nam đã trải qua 20 năm cà phê giá rẻ nên đã chuyển cây trồng khiến sản lượng sụt giảm.

Ông Lê Đức Huy, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), nói rằng ngành cà phê vừa trải qua trận "đại hồng thủy" nhưng phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã rất dũng cảm khi thực hiện những hợp đồng, tỉ lệ "xù" hợp đồng thấp, chủ yếu là các nguồn cung ứng nhỏ.

"Có một sự thật cần phải nhìn nhận là niên vụ cà phê 2023-2024, các DN FDI đã mua cà phê quá sớm, bắt đầu từ tháng 6-2023 (thời điểm giá cà phê còn thấp – PV) trong khi các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam mua vào từ sau khi thu hoạch, tức bắt đầu từ tháng 11-2023. Sự chênh lệch giá quá lớn giữa 2 thời điểm đã gây ra nhiều rủi ro và đây là bài học lớn cho vụ mùa tới" – ông Huy nói.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA lưu ý nông dân, đại lý, doanh nghiệp xuất khẩu nên hạn chế tối đa việc mua xa – bán xa để tránh rủi ro. Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, đề nghị giữa người mua và người bán nên cùng nhau đàm phán, thỏa thuận để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ giá cả cũng như tiến độ và thời gian giao hàng khi giá cà phê tăng cao đột ngột, tránh thiệt hại dồn cho 1 phía.

Chủ tịch VICOFA cũng kiến nghị ngân hàng nên tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê khi giá cà phê tăng gấp đôi để đủ vốn thu mua cà phê.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/bao-gia-ca-phe-nhieu-vu-tranh-chap-hop-dong-keo-nhau-ra-toa-a97942.html