Chủ tịch Hoà Phát nói về tranh cãi điều tra chống bán phá giá thép

Ông Trần Đình Long nói rằng, không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước.

Thép nhập khẩu nhiều hơn sản xuất là không thể chấp nhận

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) sáng 11/4, trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát nhấn mạnh, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo chuẩn WTO và là điều thông thường.

“Trước khi chúng ta là cổ đông của Hòa Phát thì đều là công dân của Việt Nam cả, mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước”, ông Long nói.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, 30 năm trước Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nhưng nay tự hào trở thành nước sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn và đã sản xuất được thép chế tạo cao cấp.

Ông nói thêm: "Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga - Ukraina, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp trong nội địa".

Vị Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát dẫn số liệu của năm 2023 khi tổng sản lượng trong nước khoảng 6,7 triệu tấn HRC nhưng nhập khẩu 9,6 triệu tấn. "Tại Mỹ, nếu lượng nhập khẩu chỉ cần chiếm 10% thị phần họ đã áp thuế chống bán phá. Còn tại Indonesia, con số này là 37%", ông Long cho biết.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chủ tịch Hoà Phát nói về tranh cãi điều tra chống bán phá giá thép

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát chia sẻ với cổ đông về việc đệ đơn điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng HRC của Trung Quốc. 

Ông Long nhấn mạnh, Hoà Phát chỉ khởi kiện một vài công ty nước ngoài chống bán phá giá chứ không phải toàn bộ các nhà xuất khẩu. Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực hiện thì giá thép HRC nhập khẩu cũng chưa chắc đã tăng vì nếu bán giá cao, sẵn sàng có những nhà xuất khẩu từ các nước xung quanh nhảy vào thị trường.

"Họ mà đúng thì họ sợ gì việc điều tra chống bán phá giá. Ngược lại tôi thấy họ rất sợ việc điều tra này. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, Chủ tịch Hoà Phát nói.

Theo chia sẻ của ông Long, mặc dù phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nhưng Hoà Phát vẫn bán được vì ưu thế xuất xứ. “Các công ty tôn mạ, ống thép dù thích hay không thích vẫn phải mua HRC của của Hoà Phát hoặc Formosa để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu  sang các nước khắt khe về lẩn tránh thuế như Canada, Mexico, Mỹ…”, ông Long cho biết.

Chủ tịch Hoà Phát cũng tiết lộ tình trạng nguy hiểm của nạn bán phá giá khi chính các nhà sản xuất thép uy tín trong nội địa Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng và muốn cơ quan quản lý nước này điều tra các nhà sản xuất phá giá thép.

Hồ sơ chưa đủ tính hợp lệ

Trước đó, ngày 19/3/2024, hai doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ).

2 doanh nghiệp này mong muốn cơ quan Nhà nước có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước trước tình trạng lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, giá HRC nhập khẩu giảm mạnh.

Ngay sau đó, 7 doanh nghiệp tôn mạ trong nước gồm Tập đoàn Hoa Sen, Thép TVP, Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Vinh Oone đã lên tiếng yêu cầu không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu.

Các doanh nghiệp này lập luận rằng: Sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá vì biên độ phá giá chỉ 1,26%. Luật Quản lý ngoại thương quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, 2 doanh nghiệp sản xuất được HRC tại Việt Nam chiếm gần 80% thị phần HRC nội địa. Nếu thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, 2 doanh nghiệp này sẽ độc quyền nguồn cung, dẫn tới việc tăng giá bán khiến giá bán thành phẩm tăng tương ứng. Ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chủ tịch Hoà Phát nói về tranh cãi điều tra chống bán phá giá thép (Hình 2).

Lượng nhập khẩu thép HRC xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng đột biến, chiếm lĩnh thị phần HRC trong nước thời gian qua.

Liên quan đến vụ việc, ngày 10/4, phía Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đã tiếp nhận và đang tiến hành thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC. Tuy nhiên, sơ bộ ban đầu, hồ sơ “chưa đủ tính hợp lệ” và Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa, bổ sung thông tin.

Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được Cục Phòng vệ thương mại thông báo cho các bên liên quan theo quy định.

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, doanh nghiệp có quyền yêu cầu chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Tân chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan. "Phải có đầy đủ các cơ sở khoa học, thực tiễn, các bằng chứng để minh họa cho việc nên hay không nên áp dụng. Chúng tôi hiện nay vẫn đang xem xét và tiếp tục yêu cầu các bên cung cấp, bổ sung thêm hồ sơ...", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn. Không những vậy, giá nhập khẩu sản phẩm từ một số nước còn giảm và xu hướng nhập khẩu thép cán nóng ồ ạt với giá rẻ vẫn đang tiếp diễn ở những tháng đầu năm nay.

HRC là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp như đóng tàu, ô tô, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp điện, khai khoáng, công nghiệp quốc phòng...

Lượng nhập khẩu HRC xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng đột biến, chiếm lĩnh thị phần HRC trong nước. Cụ thể, năm 2022, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc chỉ đạt gần 3,3 triệu tấn nhưng đến năm 2023 đã tăng lên hơn 6,2 triệu tấn.

Riêng lượng nhập khẩu HRC quý I đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất trong nước, nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 75%.

Cùng với đà tăng về lượng nhập khẩu, giá bán trong năm 2023 đã giảm mạnh so với năm 2022. Giá HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023. Quý I/2024, giá nhập khẩu HRC của Trung Quốc còn 555 USD/tấn.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chu-tich-hoa-phat-noi-ve-tranh-cai-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-a97918.html