Có thể tận thu hàng triệu khối đất không qua đấu giá?
Ngày 24/06/2021 ông Lê Đức Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định thu hồi 456,344m2 đất của Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki sau đó giao cho công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu để thực hiện dự án cụm các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô.
Đây là dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có tổng vốn đầu tư lên tới gần 7.000 tỷ đồng được thực hiện bởi đơn vị khá kín tiếng trong lĩnh vực công nghiệp ô tô là Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu.
Sau một thời gian dài hoạt động với nhiều mục tiêu được doanh nghiệp này đề ra nhưng đến nay mục đích chính của dự án vẫn chưa thành hình.
Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, mới đây chủ đầu tư dự án ô tô nghìn tỷ và một số bên liên quan bất ngờ có động thái xin tận thu đất với số lượng rất lớn. Theo đó, giai đoạn đầu, đơn vị dự kiến xin tận thu hơn 900.000 khối đất dôi dư từ quá trình phá đồi, san gạt hạ thấp độ cao để thực hiện dự án. Dự kiến khối lượng đất đá dư thừa khi thực hiện dự án khoảng 5 triệu khối.
Đáng chú ý, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại xã Đại Lộc và Triệu Lộc nằm sát tuyến quốc lộ 1A huyết mạch chạy qua tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, khu vực này có vị trí tương đối đắc địa gần nhiều khu vực đang được đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu san lấp lớn như Hoằng Hóa, Sầm Sơn cùng các tuyến đường giao thông huyết mạch đang được đầu tư xây dựng. Vì vậy, việc vận chuyển đất đá tận thu từ quá trình này thực hiện dự án đi cung cấp cho các điểm có nhu cầu là tương đối thuận lợi, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, đại diện Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu cho rằng, do địa hình dự án nhiều đồi núi, vì vậy để thực hiện dự án cần san gạt, hạ thấp độ cao nên dự kiến có hàng triệu khối đất dôi dư trong quá trình này. Hiện, phía đơn vị đang tiến hành thủ tục xin tận thu khối lượng đất đá thừa này, giai đoạn đầu khoảng hơn 900.000 khối.
Liên quan đến thông tin trên, sáng 10/4, một cán bộ Sở TNMT tỉnh Thanh Hoá cho biết hiện nay phía doanh nghiệp đang làm thủ tục xin cấp phép và tỉnh cũng đang xem xét việc cấp phép. Hiện tỉnh vẫn chưa ra quyết định và vẫn đãng trong quá trình xem xét.
Nếu UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua cho doanh nghiệp tận thu thì công tác vận chuyển hàng triệu khối đất đá ra ngoài khu vực dự án sẽ phát sinh các vấn đề tiêu cực rất lớn kéo theo như: khói bụi từ quá trình vận chuyển, ô nhiễm môi trường dân cư, áp lực hạ tầng giao thông, an sinh xã hội…
Bên cạnh đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đấu giá thành công nhiều mỏ khoáng sản với hiệu quả tăng thu nhiều lần cho Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, dự án của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu dự kiến tận thu hàng triệu khối đất dôi dư, tương đương gấp nhiều lần tổng trữ lượng khai thác trung bình của một mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường tại địa phương (trung bình khoảng 300.000 – 500.000 khối) nhưng không thông qua đấu giá là việc cần cân nhắc, vì có thể phát sinh những nguy cơ gây thất thu ngân sách.
Trao đổi với Phóng viên một số chủ mỏ đất tại địa phương cho biết, hiện nguồn đất để san lấp đang rất khan hàng bởi cung không đủ cầu. Nếu dự án trên được tận thu được diễn ra thì lợi nhuận đem lại không hề nhỏ.
Cần khẩn trương giải quyết các “dự án treo” kéo dài
Liên quan đến việc chậm trễ trong quá trình triển khai dự án lắp ráp ô tô của Công ty Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tại tỉnh Thanh Hóa, trước đó trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Mai Văn Hải - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị đối với các dự án kéo dài cần xử lý dứt điểm, tránh kéo dài gây lãng phí…
ĐBQH Mai Văn Hải cho biết: “Tất cả các dự án chậm tiến độ, kéo dài hoặc dự án “treo” về mặt quản lý cần quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo. Khẩn trương rà soát, có thể thu hồi hoặc giao cho nhà đầu tư khác nếu để dự án chậm tiến độ, “treo” quá lâu”.
Đại biểu Mai Văn Hải cũng cho rằng vấn đề về sử dụng đất, quy hoạch treo tại nghị trường Quốc hội cũng được các đại biểu rất quan tâm. Đặc biệt, trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này làm sao tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc.
“Đoàn ĐBQH chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này, với những dự án treo lâu năm các cơ quan có liên quan nên xử lý nhanh, không để kéo dài gây lãng phí nguồn lực”, ĐBQH Mai Văn Hải nhấn mạnh.
Ẩn số công ty “giải trí nghe nhìn” làm dự án ô tô?
Theo tìm hiểu, dự án sản xuất lắp ráp ô tô của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tiền thân là dự án sản xuất, lắp ráp ô tô đầy tham vọng còn dang dở của Vinaxuki - một thời thu hút sự quan tâm, cũng như gây nhiều nuối tiếc về sản phẩm ô tô "Made in Việt Nam" nhưng đã sớm chết yểu.
Nhận thấy tiềm năng lớn tại dự án, vì vậy, sau khi có thông tin phát mại các tài sản liên quan tới dự án của Vinaxuki, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã nhanh chóng thu mua với chi phí khoảng hơn 28 tỷ đồng.
Với quyết tâm cao, tháng 2/2022, Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn cầu tiến hành khởi công, tuy nhiên lại “bất động” thời gian dài cho tới cuối năm 2023 vừa qua mới rục rịch bắt đầu san gạt đất đồi và làm tuyến đường gom để thuận tiện cho xe tải chở đất đá ra vào dự án.
Đáng chú ý, mặc dù là chủ đầu tư dự án ô tô đầy tham vọng, tuy nhiên Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu lại phần nhiều mang hơi hướng thiên về lĩnh vực "giải trí" và hầu như xa lạ trong các hoạt động ở lĩnh vực liên quan tới ngành công nghiệp ô tô.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu chủ yếu được biết tới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí, thương mại... Tuy nhiên, cụ thể các thông tin về hoạt động của chủ đầu tư này, đặc biệt các hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô gần như "vắng bóng" khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng. Vì vậy, có thể xem Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu là một “ẩn số” cho dự án tham vọng này.
Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức Đầu tư 6.900 tỷ đồng. Dự án bao gồm tổ hợp nhiều nhà máy với các chức năng đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công... được xây dựng trên cơ sở khuôn viên 45,6 héc-ta của nhà máy Vinaxuki cũ.
Trong giai đoạn I, sẽ đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, với công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe trong năm đầu tiên và dự kiến đạt 30.000 xe/năm khi hoạt động với 100% công suất. Trong đó, thị trường mục tiêu mà công ty hướng tới chủ yếu là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Với sản lượng tiêu thụ trên, dự án khi ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương với mức lương khởi điểm gần 6,1 triệu đồng/người/tháng với đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm.
Ngoài ra, về tương lai, dự án có tham vọng mở rộng ra ngoài 45,6 héc-ta hiện tại để thực hiện các nhóm sản xuất thuốc đông dược, gia công tân dược đạt chuẩn và các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn thông minh có dinh dưỡng cao. Thế nhưng hiện tại việc triển khai các mục tiêu chính của dự án lại khá chậm chạp.
Ngọc Tân - Hoàng Bích
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/thanh-hoa-xin-khai-thac-dat-tai-du-an-san-xuat-lap-rap-o-to-7000-ty-a97748.html