Theo Financial Times, xe nhập khẩu đang chất đống tại các cảng châu Âu, biến chúng thành những “bãi xe” khổng lồ. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất ô tô và nhà phân phối phải vật lộn với doanh số bán hàng chậm lại, tắc nghẽn logistics, bao gồm cả việc thiếu tài xế xe tải vận chuyển.
Các giám đốc điều hành ngành cảng và ô tô đã chỉ ra sự ùn tắc của ô tô điện Trung Quốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Cùng với đó là việc một số công ty đặt chỗ giao hàng mà không yêu cầu vận chuyển tiếp theo. Trong các trường hợp khác, các nhà sản xuất ô tô nói chung đang gặp khó khăn trong việc đặt hàng xe tải vì thiếu tài xế và thiết bị để di chuyển phương tiện.
“Các nhà phân phối ô tô đang tăng cường sử dụng bãi đỗ xe của cảng làm kho chứa thay vì lưu kho tại các đại lý", Cảng Antwerp-Bruges, nơi có Zeebrugge là cảng nhập khẩu ô tô bận rộn nhất châu Âu, cho biết.
Một số giám đốc điều hành ngành ô tô cho biết, việc bán xe ở châu Âu không nhanh như các nhà sản xuất mong đợi, đây có lẽ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dư thừa tại các cảng trong khu vực.
Theo các giám đốc điều hành ngành, một số xe điện thương hiệu Trung Quốc đã nằm ở các cảng châu Âu tới 18 tháng và một số cảng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp bằng chứng về quá trình vận chuyển tiếp theo. Một chuyên gia logistics cho biết nhiều phương tiện đã dỡ hàng chỉ đơn giản là ở lại cảng cho đến khi được bán cho nhà phân phối hoặc người dùng cuối.
Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc, đánh giá “vận chuyển nội địa tại các thị trường châu Âu rất khó khăn đối với các thương hiệu xe điện Trung Quốc”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các thương hiệu cần cải thiện dịch vụ “sau bán hàng” của mình, bắt đầu từ việc hạn chế việc xuất khẩu ô tô một cách ồ ạt.
BLG Logistics, công ty vận hành nhà ga xử lý ô tô tại cảng Bremerhaven của Đức - cảng có lượng phương tiện giao thông đông đúc thứ hai ở châu Âu - cho biết họ đã phải trải qua khoảng thời gian lưu xe lâu hơn sau khi chính phủ liên bang Đức ngừng trợ cấp cho việc mua xe điện vào tháng 12 năm ngoái.
Sự tắc nghẽn của các bến cảng xảy ra khi nhiều nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc, như BYD, Great Wall, Chery và SAIC, đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, vừa để duy trì hoạt động cho các nhà máy của họ ở Trung Quốc vừa tận dụng nhu cầu ô tô điện của khu vực đang phát triển.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc vào năm 2023 cao hơn 58% so với năm trước, thúc đẩy sự định hình lại đáng kể thị trường ô tô. Trong 2 tháng đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của ô tô chạy pin, xe hybrid và xe chạy bằng hydro của Trung Quốc bao gồm Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan.
Trước đó, nhiều tập đoàn Trung Quốc đã xây dựng đội ngũ phát triển ở châu Âu và phải vật lộn với những thách thức về hậu cần. Là người mới tham gia thị trường, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty vận tải để gia tăng các đơn hàng.
Một người nắm rõ tình hình cho hay, thiếu xe tải là một vấn đề rất phổ biến, và Tesla đang là phương tiện được nhiều người ưu tiên đặt trước hơn.
Tình trạng này đã gây ra hiệu ứng domino đối với các tàu đang dỡ ô tô. United European Car Carriers, một nhà điều hành tàu chở ô tô có trụ sở tại Oslo, cho biết họ đã trải qua nhiều lần bị trì hoãn tại cảng Livorno của Ý và cảng Piraeus của Hy Lạp do tình trạng tắc nghẽn ở các nhà ga.
Sự tắc nghẽn đang là trở ngại mới nhất đối với hệ thống vận chuyển ô tô thành phẩm toàn cầu. Ngành công nghiệp này đã phải vật lộn trong nhiều tháng với tình trạng thiếu hụt công suất vận chuyển sau khi xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng vọt, khiến số lượng phương tiện di chuyển đường dài tăng 17% so với năm trước. Các vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi các tuyến đường bị điều hướng sau xung đột ở Biển Đỏ, khiến thời gian di chuyển của tàu bị kéo dài đáng kể.
Tham khảo: FT