Bất ngờ số vốn FDI một quốc gia ASEAN rót vào Việt Nam quý 1/2024, gấp đôi vốn FDI từ 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới cộng lại

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) chỉ ra rằng, với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023, quốc gia Đông Nam Á này hiện đang là nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong 3 tháng đầu năm 2024.

Bất ngờ số vốn FDI một quốc gia ASEAN rót vào Việt Nam quý 1/2024, gấp đôi vốn FDI từ 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới cộng lại- Ảnh 1.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến 20/3/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ).

Đối với các dự án điều chỉnh vốn, báo cáo cho biết, trong 3 tháng đầu năm có 248 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 934,6 triệu USD (giảm 22,6% so với cùng kỳ).

Đối với góp vốn, mua cổ phần, số lượt các nhà đầu tư FDI đã góp vốn, mua cổ phần đạt 604 lượt, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 466,2 triệu USD (giảm 61,7% so với cùng kỳ).

Báo cáo nhận định, tháng 3/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh của các dự án hiện hữu cũng như giá trị các giao dịch GVMCP cao hơn trong các tháng 1/2024 và tháng 2/2024, số dự án đầu tư mới cũng nhiều hơn, song quy mô dự án mới nhỏ hơn do không có nhiều dự án lớn, nên tổng vốn đầu tư đăng ký trong 3 tháng dù vẫn tăng 13,4% so với cùng kỳ, song mức tăng giảm 25,2 điểm phần trăm so với 2 tháng năm 2024.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét theo đối tác đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, nếu so với số vốn các nền kinh tế khác, tổng số vốn FDI mà các nhà đầu tư Singapore đã rót vào Việt Nam cao gấp hai lần tổng số vốn 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đầu tư vào Việt Nam trong quý 1/2024.

Bất ngờ số vốn FDI một quốc gia ASEAN rót vào Việt Nam quý 1/2024, gấp đôi vốn FDI từ 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới cộng lại- Ảnh 2.

Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo quy mô GDP theo giá hiện hành gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ý, Brazil, Canada. 

Theo đó, tổng số vốn đầu tư những nền kinh tế này đã đầu tư vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm lần lượt là: Hoa Kỳ (17,3 triệu USD), Trung Quốc (552,4 triệu USD), Đức (6,3 triệu USD), Nhật Bản (520 triệu USD), Ấn Độ (2,74 triệu USD), Anh (107,3 triệu USD), Pháp (49 triệu USD), Ý (0,004 triệu USD), Canada (45,32 triệu USD).

Sau Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) là nền kinh tế có số vốn FDI cao thứ hai với hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Đầu tư của Singapore và Hong Kong chủ yếu là đầu tư mới, chiếm lần lượt 89,5% và 79,1% tổng vốn đầu tư của Singapore và Hồng Kông trong 3 tháng. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản,…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 27,8%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và GVMCP (chiếm 27,8%).

Tính lũy kế đến ngày 20/03/2024, cả nước có 39.758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,83 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 287,5 tỷ USD (chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 70,1 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 40,7 tỷ USD (chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư).

Đến nay, hiện có 145 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 86,9 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 77,2 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).


Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/bat-ngo-so-von-fdi-mot-quoc-gia-asean-rot-vao-viet-nam-quy-12024-gap-doi-von-fdi-tu-10-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-cong-lai-a97511.html