Trung Quốc, trong nhiều năm qua, đã là thị trường xe lớn nhất thế giới từ sau khi họ vượt mặt Mỹ. Tại đây trong năm 2023 đã có tới 26 triệu xe bán ra và con số này hứa hẹn sẽ còn tăng nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, miếng bánh này đang ngày một "khó nuốt" với các thương hiệu quốc tế...
Sau hơn một thập kỷ thoải mái khai thác thị trường Trung Quốc, các hãng xe quốc tế đang đứng trước nguy cơ bị đánh bật bởi các thương hiệu nội địa. Thị phần xe Trung Quốc tại sân nhà đã tăng từ 40% trong 2015 lên 57% trong 2023. Quan trọng hơn, thị phần đã mất của các hãng xe quốc tế gần như không thể lấy lại được.
Việc thị trường xe Trung Quốc chuyển đổi siêu tốc sang xe điện khiến các dòng xe nội địa giá rẻ nhưng chất lượng không hề thấp lên ngôi. Ở chiều ngược lại, các tên tuổi quốc tế bị dồn vào thế bám đuổi. Không ít cái tên lớn thậm chí đã phải cắn răng rút lui khỏi đây.
Lấy ví dụ, Stellantis - tập đoàn đa châu lục sáp nhập từ FCA (Mỹ) và PSA (châu Âu) đã bán tài sản rồi rút Citroen và Peugeot khỏi Trung Quốc vào 2023. Trước đó một năm, thương hiệu Jeep của họ cũng phải rời cuộc chơi. Một thương hiệu quốc tế khác là Renault thì rời Trung Quốc từ 2020.
Tình thế các tập đoàn hay thương hiệu xe lớn còn lại ở Trung Quốc cũng đang vô cùng ảm đạm. GM - tập đoàn quốc tế có thị phần lớn thứ 2 tại Trung Quốc chứng kiến miếng bánh thị phần của mình giảm từ 14% xuống 7% từ 2017 tới nay. Đã qua rồi thời kỳ GM mỗi năm thu tiền tỷ từ Trung Quốc, giờ họ có thể phải cắn răng chấp nhận lỗ và rút lui theo thừa nhận từ CEO Mary Barra.
Tình cảnh với đại gia còn lại của làng xe Mỹ tại Trung Quốc là Ford còn thê thảm hơn. Nhà máy Trung Quốc của họ, theo Bloomberg, chỉ còn vận hành dưới 20% công suất vì sức mua quá thấp.
Sai lầm của Stellantis, GM và Ford là cho rằng họ sẽ vĩnh viễn có được ưu thế trước các thương hiệu "gà nhà", rằng người dùng Trung Quốc sẽ luôn ưu tiên xe ngoại hơn xe nội. Thêm vào đó, cả 3 đều không ngờ rằng tốc độ chuyển đổi sang xe điện ở mức siêu tốc có thể khiến họ bị đào thải nhanh như vậy.
Không chỉ các hãng xe Mỹ, các hãng xe Nhật cũng đang đau đầu với thị trường Trung Quốc. CEO Nissan Makoto Uchida cho biết hồi đầu tháng 4 này rằng sự vươn lên của các hãng xe Trung Quốc tại sân nhà đã làm bộ mặt thị trường này đảo lộn hoàn toàn. Cạnh tranh về giá diễn ra với cường độ khủng khiếp đẩy giá xe xuống thấp hơn dự định của Nissan sớm tận 2 năm.
Làm sao thu về lợi nhuận trong bối cảnh như vậy sẽ là "thách thức cực lớn" với họ, vị CEO thừa nhận. Thị phần Nissan ở Trung Quốc đã giảm từ 4 xuống 3% trong 6 năm qua. Nhà máy của họ tại Trung Quốc cũng đang chỉ vận hành ở công suất dưới 50%.
Volkswagen và Hyundai cũng chịu chung tình cảnh với GM và Nissan khi có nhà máy đều vận hành dưới nửa công suất. Volkswagen, vốn từng là thương hiệu có doanh số số 1 Trung Quốc, vừa bị BYD lật đổ vào 2023 và gần như chắc chắn không thể lấy lại vị trí nếu không muốn nói là còn có thể xuống sâu hơn.
Lợi nhuận của Volkswagen trong 2023 tại Trung Quốc là 2,6 tỷ euro. Tới 2024, con số này được dự đoán còn... 1,5 tới 2 tỷ. Họ và các thương hiệu quốc tế đang không biết làm sao để đối chọi về giá với BYD - hãng xe đã cắt giảm giá đội hình mình từ 5 tới 20% trong thời gian gần đây.
Ở phân khúc phổ thông, Toyota và Tesla là 2 cái tên ngược chiều xu thế tại Trung Quốc. Thị phần Toyota tăng từ 4 lên 6% hoàn toàn nhờ xe chạy động cơ thường. Tesla hiện cũng đã chiếm 3% thị phần Trung Quốc, ngang hàng Nissan.
Ít nhất thì ở phân khúc hạng sang, các thương hiệu lớn như BMW, Mercedes-Benz hay Audi đều có thể "kê cao ghế ngủ" tại Trung Quốc. Người Trung không có một hãng xe sang danh tiếng có sản lượng lớn, vậy nên họ không lo sợ đối thủ bản địa. Cái tên duy nhất có thể thách thức họ là Hongqi có sản lượng hàng năm chỉ khoảng trên 200.000 xe - bằng một phần 3 khả năng sản xuất của BMW/Audi/Mercedes.