Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, những năm gần đây, tỷ lệ nợ so với số thu hàng năm đều giảm.
Tuy nhiên, từ năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, cho nên người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến kết quả thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy, nợ cũng tăng lên.
Cụ thể, năm 2020, tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là 14.145 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,5%. Năm 2021, số tiền chậm đóng là 15.070 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,7%.
Tính đến hết tháng 6/2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 20.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 5,1% so với số phải thu.
Cũng theo thống kê, đến nay Bảo hiểm Xã hội của hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước đã chuyển gần 300 hồ sơ các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sang cơ quan công an xử lý theo quy định.
Số liệu thống kê mới nhất của Bảo hiểm Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, ngành đã thực hiện hơn 64.700 cuộc thanh kiểm tra hơn 100.000 đơn vị và đã phát hiện hơn 350.500 người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng chưa tham gia, hoặc bị đóng thiếu thời gian, mức đóng thấp hơn quy định, với tổng số tiền truy đóng hơn 977 tỷ đồng.
Thanh tra bảo hiểm xã hội cũng ban hành hơn 2.600 quyết định xử phạt vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền phạt hơn 112 tỷ đồng. Thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội số tiền hơn 51 tỷ đồng, thu hồi về quỹ bảo hiểm thất nghiệp hơn 22 tỷ đồng do chi sai. Thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế số tiền 752 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định.
Tại một số địa phương, như ở Bình Dương, theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2022, có 2.135 đơn vị trên địa bàn còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là hơn 897 tỷ đồng (đã loại trừ nợ dưới 30 ngày, không tính lãi).
Trong đó, hiện có 23 doanh nghiệp chây ì đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hàng chục tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý.
Theo Bảo hiểm Xã hội Bình Dương, một trong những nguyên nhân nợ bảo hiểm được xác định là do tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn ảnh hưởng bởi cao điểm của đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 976 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 47,9% so cùng kỳ năm 2021, có 205 doanh nghiệp đăng ký giải thể, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Còn tại Hà Nội - địa phương có số nợ bảo hiểm xã hội lớn nhất cả nước, theo báo cáo, số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn vẫn còn cao, số tiền nợ lớn, đến hết tháng 6/2022, số tiền nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp là hơn 5.100 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, số nợ trên 12 tháng chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 33,73% cơ cấu nợ bảo hiểm xã hội tại Hà Nội.
Do đó, thời gian này, Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội đã và đang phối hợp với các bên liên quan như thuế, công an, Lao động - Thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động và UBND các quận, huyện cùng vào cuộc xử lý các doanh nghiệp nợ bảo hiểm.
Đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ tổng hợp hồ sơ khởi kiện ra tòa và cao nữa là có thể xử lý hình sự đối với những doanh nghiệp, vi phạm pháp luật về bảo hiểm.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng, ngoài khó khăn khách quan do dịch bệnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, có nguyên nhân chủ quan do ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, của nhiều chủ sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa có quy định về quản lý các đơn vị, số tiền chậm đóng, đặc biệt là doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, có chủ sở hữu bỏ trốn.
Để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Cụ thể, bổ sung về quản lý nợ bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng giao dịch, có cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang chủ trì xây dựng quy trình mới về khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động, trong đó có quy định quản lý tình trạng cố tình không đóng/trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.