Nổi tiếng là nơi làm việc trong mơ, Toyota bất ngờ bị tố sa thải nhân viên bất cứ lúc nào, môi trường làm việc khổ cực, phải giả vờ tăng lương tránh đàm tiếu

“Toyota không tăng lương vì lòng tốt”, một nhân viên nói.

Công nhân tại một nhà máy của Toyota, ngoại ô St Louis, Missouri, cho biết công ty mình thường tăng lương theo bậc từ 0,25-0,5 USD/giờ. Tuy nhiên 2 lần vừa qua, Toyota hào phóng đưa ra khung cao nhất là 2 USD/giờ.

“Toyota không làm những việc này vì lòng tốt của họ”, Paul Hohenshell, công nhân sản xuất với 25 năm kinh nghiệm, nói và cho biết có một động cơ khác đằng sau động thái này: Toyota muốn ngăn chặn ‘cuộc tuần hành’ của United Auto Workers (UAW).

Hồi năm ngoái, UAW đã phát động đình công đối với 3 nhà sản xuất ô tô lớn là Ford, General Motors và Stellantis nhằm giúp các thành viên của mình đạt mức tăng lương cơ bản cao hơn sau 22 năm. Giai đoạn đỉnh điểm, hơn 45.000 trong số 146.000 thành viên của UAW đang làm việc tại những tập đoàn trên đã tham gia nghỉ làm.

Sau cùng, thỏa thuận với GM (sau các thỏa thuận với Stellantis và Ford) đã giúp tạm dừng cuộc đình công lớn. Tổng thống Joe Biden ca ngợi cái mà ông gọi là “hiệp ước lịch sử”, bênh vực cho những công nhân ô tô đã phải từ bỏ nhiều điều để duy trì hoạt động toàn ngành.

Hiện UAW đang tiếp tục triển khai một chiến dịch trị giá 40 triệu USD kéo dài 3 năm để hỗ trợ công nhân tại 13 nhà sản xuất ô tô - những nơi mà họ chưa từng được chú ý. Nếu chiến thắng, tổ chức này có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa Detroit và các tập đoàn ô tô nước ngoài, đồng thời thay đổi nền kinh tế sản xuất ô tô của Mỹ.

Một cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này tại nhà máy của Volkswagen ở Chattanooga, Tennessee, sau khi hơn 70% công nhân ký thẻ ủy quyền công đoàn. Một số người đã bắt đầu vận động công khai để tham gia UAW tại 2 nhà máy ở Alabama thuộc sở hữu của Mercedes-Benz và Hyundai.

Tháng trước, một phong trào công đoàn cũng đã được công bố tại nhà máy Toyota ở Troy, Missouri, nơi có khoảng 850 nhân viên làm việc theo giờ. Lợi ích mà UAW mang lại hồi năm ngoái đã gây ấn tượng được với những người lao động như Kassie “KC” Albertson - nhân viên cống hiện tại Troy trong một thập kỷ. Anh càng xúc động hơn khi nhớ lại cảm giác “tuyệt vời và ngoạn mục” khi tổ chức cố gắng cải thiện mức lương và điều kiện làm việc.

Nổi tiếng là nơi làm việc trong mơ, Toyota bất ngờ bị tố sa thải nhân viên bất cứ lúc nào, môi trường làm việc khổ cực, phải giả vờ tăng lương tránh đàm tiếu- Ảnh 1.

UAW đang tiếp tục triển khai một chiến dịch trị giá 40 triệu USD kéo dài 3 năm để hỗ trợ công nhân tại 13 nhà sản xuất ô tô

Chia sẻ với FT, Kassie “KC” Albertson cho biết lương theo giờ của anh tại nhà máy rơi vào khoảng 31 USD sau đợt tăng lương mới nhất, tương đương 64.000 USD/năm. Con số này thấp hơn mức lương tại các nhà máy lắp ráp xe của Toyota.

“Chúng tôi biết họ kiếm được rất nhiều tiền. Chúng tôi cũng biết mình được trả ít như thế nào”, Hohenshell nói.

Tuy nhiên, chiến dịch hiện tại của UAW ở vùng thượng nguồn công nghiệp Trung Tây, đang vấp phải nhiều sự phản kháng. Các chính trị gia cho rằng việc thành lập công đoàn có thể ngăn các nhà sản xuất ô tô mở rộng hoạt động, từ đó khiến việc thu hút đầu tư trở nên khó khăn.

“Mô hình kinh tế thành công của Alabama đang bị tấn công. Sản xuất ô tô là một trong những “ngành công nghiệp ngọc quý”, Thống đốc bang Alabama Kay Ivey nói và cho biết liên minh sẽ đe dọa vấn đề việc làm.

UAW hôm thứ Tư cho biết họ đã đệ đơn tố cáo Mercedes ở Đức, cho rằng công ty này vi phạm luật mới cấm người sử dụng lao động phát động các chiến dịch chống công đoàn ở bất kỳ đâu trong chuỗi cung ứng. Phía Mercedes cho biết trong một tuyên bố rằng họ “không can thiệp hoặc trả đũa bất kỳ thành viên nào trong nhóm về quyền theo đuổi công đoàn”.

Giám đốc điều hành toàn cầu của Mercedes, Ola Källenius, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc hợp nhất “cuối cùng là quyết định mà các thành viên trong nhóm đưa ra” và “nếu họ làm điều đó, chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng họ đang quyết định sáng suốt”.

Tại Toyota, một màn hình bên trong nhà máy thông báo tới công nhân rằng “một bên thứ ba, chỉ riêng công đoàn, sẽ được ủy quyền thay mặt phát biểu”. Toyota cũng sẽ bị “cấm” thảo luận trực tiếp về lương và điều kiện làm việc với công nhân. Phía Toyota cho biết công ty tôn trọng “quyền lựa chọn tham gia hay không tham gia công đoàn của các thành viên”.

Các chuyên gia cho rằng thành công của UAW sẽ là cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử lao động Mỹ kể từ khi công nhân GM tấn công nhà máy Flint, Michigan vào năm 1936, thành lập UAW và cuối cùng là hợp nhất toàn bộ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Joshua Murray, giáo sư Đại học Vanderbilt, người nghiên cứu về tổ chức công đoàn trong ngành ô tô, cho biết cuộc đình công mùa thu năm ngoái nhằm vào bộ 3 nhà sản xuất ô tô lớn cũng tương tự như cuộc đình công trước đây ở Flint bởi nó “cho mọi người thấy chiến lược công đoàn này thực sự có hiệu quả và giá trị”.

Nổi tiếng là nơi làm việc trong mơ, Toyota bất ngờ bị tố sa thải nhân viên bất cứ lúc nào, môi trường làm việc khổ cực, phải giả vờ tăng lương tránh đàm tiếu- Ảnh 2.

Nhân viên tại nhà máy Toyota

Michael Innis-Jiménez, giáo sư tại Đại học Alabama, cho biết tại Tuscaloosa, sức hấp dẫn khi làm việc tại Mercedes đã phai nhạt trong những năm gần đây khi mức tăng lương hàng năm giảm do lạm phát, trong khi nhà máy lại thuê thêm nhân viên theo hợp đồng tạm thời. Theo các tin tuyển dụng gần đây trên Indeed, công nhân chính thức có thể kiếm được nhiều hơn 2 USD/giờ so với những người đăng ký thời vụ với mức lương 16 USD/giờ.

Jeremy Kimbrell, người đã làm việc tại Mercedes từ năm 1999, cho biết chính sách tăng lương và phúc lợi trong hợp đồng của UAW với Big Three đã khiến 6.100 công nhân của nhà máy háo hức hơn trước.

“Chúng tôi không phải Ford, GM và Chrysler vốn đang chế tạo những chiếc xe trị giá 40.000 hay 50.000 USD. Ô tô của chúng tôi có giá hơn 100.000 USD. Vậy tại sao nhân viên không xứng đáng được tăng lương”, Jeremy Kimbrell nói.

Tại nhà máy Troy, các công nhân cho biết chiến dịch của họ một phần được thúc đẩy bởi các vấn đề tại Toyota, chẳng hạn như hãng cho phép việc sa thải bất cứ lúc nào hoặc để nhân viên làm việc trong điều kiện nhà máy nóng như thiêu đốt. Nhiều công nhân cũng cho biết sự thiên vị trong nhà máy đã ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến và thành tích cá nhân.

Theo: FT

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/noi-tieng-la-noi-lam-viec-trong-mo-toyota-bat-ngo-bi-to-sa-thai-nhan-vien-bat-cu-luc-nao-moi-truong-lam-viec-kho-cuc-phai-gia-vo-tang-luong-tranh-dam-tieu-a97108.html