Vì sao trước đây FDI từ Đức thường đổ vào Thái Lan, Singapore, Malaysia nhưng giờ lại tăng ở Việt Nam?

"Xu hướng đầu tư của Đức tại Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nhấn mạnh.

Vì sao trước đây FDI từ Đức thường đổ vào Thái Lan, Singapore, Malaysia nhưng giờ lại tăng ở Việt Nam?- Ảnh 1.

Mới đây, đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) chia sẻ: "Trước đây, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này đều có các nhóm ngành công nghiệp Đức đã được thiết lập lâu đời, như ngành ô tô ở Thái Lan, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Singapore. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này đang dần thay đổi khi Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn". 

Chủ tịch GBA cho biết, các nhà đầu tư Đức đang ưu tiên mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam, do thị trường Việt Nam có mức chi phí đầu vào thấp hơn, vị trí địa lý thuận lợi, cũng như chuỗi cung ứng gần Trung Quốc. Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư Đức bởi thị trường người tiêu dùng trung lưu ngày càng lớn mạnh.

"Xu hướng đầu tư của Đức tại Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng", Chủ tịch GBA nhấn mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, GBA đã nhận được một số cam kết đầu tư cho các dự án mới: Fuchs Petrolub (cung cấp dầu bôi trơn) và Schütz (sản xuất bao bì công nghiệp) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Kärcher (sản xuất máy móc) tại Quảng Nam, Tenowo (sản xuất vải) tại Hải Phòng và Ziehl-Abegg (công nghệ điều khiển và hệ thống thông gió) tại Đồng Nai.

Có thể thấy, quý 1/2024 đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển và tầm ảnh hưởng của GBA trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam và Đức. Với chiến lược hành động tập trung cho sự kết nối và hợp tác giữa các thành viên Hiệp hội, GBA tiếp tục thể hiện sự kiên định trong cam kết của mình với việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng cho các thành viên Hiệp hội và các bên liên quan.

Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) khởi động năm hành động 2024 với tinh thần hứng khởi và nhiều cam kết mới mang tính đột phá. Dưới sự lãnh đạo của Ban Điều hành và Chủ tịch mới, GBA tập trung đẩy mạnh tương tác với các thành viên Hiệp hội, mở rộng tầm vóc tại miền Bắc và thúc đẩy các sáng kiến phát triển chiến lược nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương Việt - Đức.

Quý 1/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng cho GBA, với việc bầu ra 15 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào hội đồng, đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề đa dạng. 

Theo ông Alexander Ziehe, tân chủ tịch GBA, mục tiêu và chiến lược hành động động của GBA trong năm 2024 bao gồm 2 thành tố chính. Theo đó, ưu tiên số một của GBA vẫn là theo đuổi mục tiêu kiên định: tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức - Việt thông qua thúc đẩy quyền lợi của các thành viên GBA và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.

GBA sẽ thực thi những mục tiêu này bằng các chiến lược cụ thể, bao gồm 3 sáng kiến hoạt động mới nhằm nâng cao trải nghiệm của các thành viên. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là tăng cường sự hiện diện của GBA tại khu vực phía Bắc - Việt Nam, và theo đuổi các cơ hội phát triển chiến lược. Các sáng kiến này là minh chứng cho sự tiếp cận tích cực của GBA trong việc đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi và ngày càng nâng cao của các thành viên, cũng như tối đa hóa giá trị mà GBA cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Ngay trong quý 1/2024, cam kết của GBA trong việc tạo dựng mối liên kết mạnh mẽ Đức - Việt đã được thể hiện rõ nét bằng lịch trình sự kiện và hoạt động đa dạng. Trong số các hoạt động này, hội nghị bàn tròn với Tổng thống Liên bang Đức, Frank-Walter Steinmeier tại Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm nhấn đáng chú ý. Đoàn đại biểu cao cấp, bao gồm Bộ trưởng Lao động và Xã hội của Đức, đã tham dự hội nghị và có những trao đổi mang tính xây dựng với cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, mở đầu cho sự hợp tác và đối tác trong tương lai.

Vì sao trước đây FDI từ Đức thường đổ vào Thái Lan, Singapore, Malaysia nhưng giờ lại tăng ở Việt Nam?- Ảnh 2.

Hội nghị bàn tròn giữa Tổng thống Đức Steinmeier và cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam

Hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), GBA đã tổ chức lễ kỷ niệm tình hữu nghị giữa Đức và Pháp "Feierabend Rendez-Vous 2024", thu hút hơn 300 khách mời và doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị Kinh doanh GBA diễn ra trong tháng 3/2024, tập trung vào Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2024 và vai trò của ASEAN, đã tạo kỷ lục về quy mô với số lượng trên 100 đại diện doanh nghiệp tham gia.

GBA cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp thành viên với các cơ quan chính phủ, bao gồm Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề kinh tế và hữu nghị chính yếu, chiến lược hợp tác cho năm 2024 và các công tác chuẩn bị cho các cột mốc quan trọng trong năm 2025, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức - Việt.

Thêm vào đó, GBA đã tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Việt Nam để giải quyết những lo ngại của các thành viên và ủng hộ cải cách chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Bao gồm các phiên làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC); UBND tỉnh Bình Dương & lãnh đạo các sở trực thuộc, hướng tới việc mở rộng và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, cũng như khu vực tỉnh/ thành phố nói riêng. Yếu tố "Xanh" cũng được chú trọng trong các buổi làm việc Hợp tác vì phát triển xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh (GBA x ITPC x UOB).

Qua các cuộc họp cấp cao với các quan chức chính phủ, và địa phương, GBA đã trình bày những nhu cầu và ưu tiên của các thành viên, từ nhu cầu tăng tính minh bạch trong chính sách đầu tư, tiêu chuẩn quốc tế, đến công cuộc số hóa và ưu đãi cho lao động nước ngoài tại Việt Nam. Phản hồi tích cực nhận được từ các cơ quan hữu quan đã ghi nhận hiệu quả hành động của GBA, trong việc thực thi cam kết thúc đẩy một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Hướng tới tương lai, GBA sẽ giới thiệu các sáng kiến hành động mới để tăng cường và làm phong phú thêm trải nghiệm của các thành viên Hiệp hội. Các kế hoạch hoạt động cụ thể của GBA đều tập trung cho kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam.

Sự kiện được trông chờ nhất là Lễ hội Oktoberfest của GBA, sẽ được diễn ra tại cả 3 miền, tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 và 10/2024. Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên, Giải thưởng Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam sẽ được GBA đăng cai tổ chức.

Hợp tác chặt chẽ với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), GBA sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện đặc biệt để mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh và phạm vi hoạt động cho các thành viên Hiệp hội. Bao gồm chuyến khám phá tiềm năng kinh tế và đầu tư tại Campuchia vào tháng 5; Gian hàng Đức giới thiệu các công nghệ và giải pháp "xanh" trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh – EuroCham's GEFE diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2024.

 

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vi-sao-truoc-day-fdi-tu-duc-thuong-do-vao-thai-lan-singapore-malaysia-nhung-gio-lai-tang-o-viet-nam-a97030.html