Hồng treo gió là loại quả khô có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sau khi treo, hồng được nắng, gió làm héo lại, thành loại mứt ngọt ngào.
Bình quả hồng Đà Lạt đang là hot trend.
Mới đây trong nhóm Yêu bếp, chị Hoàng Việt Anh đã chia sẻ hình ảnh dàn hồng treo gió được chị kỳ công thực hiện khiến hội chị em "Yêu bếp" ngắm mãi không chán.
Vườn hồng gia đình chị Việt Anh ở xã Xuân Thọ ,Cầu Đất, Đà Lạt.
Chị Việt Anh bên dàn hồng treo gió.
Theo chị Việt Anh, cuối năm làm hồng treo gió sẽ ngon hơn vì thời tiết hết mưa, nắng gió ngập tràn, hồng được hong đầy gió càng se lại mềm dẻo, đầy mật.
Đặc tính của hồng treo gió làm theo phương pháp Hoshigaki của Nhật sẽ không bị đông đá khi bảo quản hồng ở ngăn đá tủ lạnh. Do đó, khi lấy ra ăn, bạn không cần phải rã đông mà thành phẩm vẫn dẻo và ngọt thanh hơn.
Cách làm hồng treo gió không khó, chỉ có chút hơi kỳ công và thật cẩn thận khâu an toàn vệ sinh là thành công.
Chị em có thể tham khảo công thức dưới đây của chị Hoàng Việt Anh để làm cho cả nhà nhâm nhi cùng bình trà hoa cúc hoặc đem biếu bạn bè, người thân nhé!
Cách làm hồng treo gió
Chọn quả hồng màu cam đậm nhưng vẫn cứng, còn cuống để cột treo. Theo kinh nghiệm của chị Việt Anh, nên chọn loại hồng trứng đặc sản Đà Lạt, khi treo sẽ lên màu cam.
Hồng mua về, gọt vỏ rồi cho ngay vào thau nước muối pha loãng trong 15 phút cho hồng đẹp màu.
Vớt ra nhúng sơ vào rượu trắng có độ cồn cao (cho hồng không bị mốc hay ruồi muỗi bu vào lúc treo gió).
Sau đó cột dây vào cuống, treo hồng (phải chọn ngày nắng ráo không quá gắt, không có mưa mới thành công).
Tầm 20 ngày sẽ đạt thành quả hồng treo gió dẻo tươm mật (nếu có thời gian bạn có thể đeo bao tay và "mát xa" xoa bóp nhẹ cho quả hồng dẻo hơn nhé).
Bảo quản hồng treo gió trong ngăn đá được 9-12 tháng, ngăn mát tủ lạnh được 1-3 tháng.
Chúc các bạn thành công!