53% DN xây dựng lạc quan hơn trong năm 2024

Với số vốn còn lại của năm 2023 hơn 186.500 tỷ đồng, giải ngân đầu tư công tiếp tục nóng ngay đầu năm 2024.

Sau một năm “bĩ cực”, kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp (DN) vào tháng 1/2024 của Vietnam Report cho thấy nhóm DN ngành xây dựng đã lạc quan hơn về triển vọng chung của ngành. Phần đông số DN (52,6%) kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn.

Trong đó, nền kinh tế đang dần có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2023 khi tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 6,0 – 6,5%. Với đặc tính của ngành, ngành xây dựng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng trội hơn với khoảng 8 - 10% (dự báo của Chứng khoán Mirae Asset).

Vẫn còn 10,5% DN khảo sát bi quan, cơ hội không dành cho tất cả

Ngược lại, vẫn có 36,9% số DN dự báo ngành xây dựng sẽ chưa có nhiều sự cải thiện, gần như giữ nguyên trạng thái trong năm qua và 10,5% số DN cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.

Khi, dù nhiều chính sách về pháp lý, lãi suất… được tháo gỡ, song thị trường bất động sản nhà ở vẫn dự báo chưa thể hồi phục, tâm lý người tiêu dùng vẫn còn rất dè chừng. Do đó, động lực nổi trội nhất cho ngành xây dựng đến từ mảng hạ tầng, đầu tư công.

“Đầu tư công sẽ tiếp tục là trụ cột và động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và cả trong trung và dài hạn”, báo cáo Vietnam Report ghi nhận.

Những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy không ngừng. Năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm cao điểm giải ngân và được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.

Trên cơ sở dự toán ngân sách năm 2024 (được Quốc hội thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn đầu tư công năm nay với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng.

Đầu tư công nóng ngay đầu năm với 186.560 tỷ vốn cần phải giải ngân trong tháng 1/2024

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 14447/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023. Báo cáo ước tính tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 12/2023 đạt 73,5% tổng kế hoạch năm (704 nghìn tỷ đồng) tương ứng hơn 517 nghìn tỷ đồng.

Năm ngân sách 2024 sẽ kết thúc vào 31/1/2024, như vậy so với kế hoạch số vốn cần phải giải ngân trong tháng 1/2024 ước khoảng 186.560 tỷ đồng. Dù số vốn đầu tư công còn lại cần giải ngân là rất lớn tuy nhiên Thủ tướng vẫn giữ nguyên mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công. Do đó tháng 1/2024 sẽ là cao điểm giải ngân của năm.

Tiến độ giải ngân đầu tư công so với kế hoạch Chính phủ

53% DN xây dựng lạc quan hơn trong năm 2024- Ảnh 1.

Với số vốn còn lại của năm 2023 hơn 186.500 tỷ đồng, giải ngân đầu tư công tiếp tục nóng ngay đầu năm 2024. Trong số các DN xâp lắp hạ tầng, thành viên nhà Đèo Cả là HHV đã “rầm rộ” công bố loạt kế hoạch lớn ngay từ đầu năm.

Giai đoạn 2023 - 2025, HHV tiếp tục đề xuất đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (ở Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 1/1/2024. Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong quý 2/2024.

Đối với hoạt động thi công xây lắp, HHV đang tổ chức thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Đường ven biển Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng, dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn với tổng giá trị hợp đồng liên danh gần 20.000 tỷ đồng.

Năm qua, các dự án đầu tư công triển khai cũng đã giúp các DN ngành xây lắp có sự cải thiện mạnh về doanh thu và lãi gộp. Tăng trưởng mạnh nhất về doanh thu là Lizen (LCG) với mức tăng 57%, tiếp đến là Vinaconex (VCG) tắng 33% và Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) tăng 23%. Chứng khoán Mirae Asset đánh giá những DN này có thể sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh cải thiện từ nay đến năm 2025.

53% DN xây dựng lạc quan hơn trong năm 2024- Ảnh 2.

Nhìn chung, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng chưa thể diễn ra chóng vánh và chưa thể khẳng định thị trường xây dựng sẽ đạt được các kết quả rực rỡ, tuy nhiên, các DN xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho sự phục hồi và ươm mầm một chu kỳ phát triển mới.

Trong đó, tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trước tiên là thúc đẩy nhóm DN nhà thầu hạ tầng. Vì vậy, dư địa tăng trưởng dành cho nhóm ngành xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất lớn với các hợp đồng thi công dự án lớn trong giai đoạn này.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/53-dn-xay-dung-lac-quan-hon-trong-nam-2024-a96508.html