Chuỗi cà phê của 'Vua tiêu' đổi màu hồng rực rỡ, muốn cuộc chơi lớn để 'chữa lành' nỗi đau: Việt Nam là thủ phủ cà phê song dân ta lại 'uống cái gì đâu'

Định vị K COFFEE sau khi có nguồn lực mới từ đối tác sẽ phát triển thành hãng duy nhất đi từ nguyên liệu, đến pha chế và ra thành phẩm; có chứng nhận phát triển bền vững cũng như có hệ thống truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Từ đầu năm 2024, K COFFEE Phúc Sinh đã “rục rịch” kế hoạch phủ hồng các chuỗi cửa hàng cà phê tại Tp.HCM (thay cho màu chủ đạo cũ là màu xanh nước biển). Cuối tháng 3, thương hiệu K COFFEE chính thức hoàn thành việc thay đổi nhận diện cho các cửa hàng.

Theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, người thường được gọi là Vua Tiêu (chủ chuỗi K COFFEE) - đây không phải là một chiến lược tái định vị thương hiệu. Đây là sự thay đổi để đón đầu xu hướng, cũng như để tạo ấn tượng cho tệp khách hàng gen Z.

“Thay đổi là một nước đi mạo hiểm nhưng thay đổi là điều cần thiết để mọi thương hiệu trở nên nổi bật, khác biệt để cạnh tranh trong một thị trường không ngừng biến đổi” , ông Thông nhấn mạnh.

Và đây được biết cũng là bước đầu cho một cuộc chơi lớn của K COFFEE.

Trong chia sẻ hồi cuối năm qua, ông Thông cho biết đang có kế hoạch hợp tác với một đối tác để mở rộng chuỗi K COFFEE lên 100 cửa hàng, tăng gấp nhiều lần so với hiện tại.

Bởi, theo ông vấn đề đáng buồn hơn là người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa có nhiều cơ hội để thưởng thức cà phê ngon, chất lượng cao như khách hàng quốc tế. Trong khi, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil với vô vàn loại cà phê thơm ngon, thượng hạng không kém các cường quốc.

Nguyên nhân theo ông đến từ thực trạng đa số người tiêu dùng Việt Nam đã quen uống các loại cà phê trộn hương liệu, đậu bắp, đậu nành. Thói quen và sự dễ dãi với ly cà phê rẻ, không rõ nguồn gốc đã khiến phần đông người tiêu dùng lầm tưởng về định nghĩa cà phê ngon. Nhiều người nghĩ rằng cà phê phải có màu đen, sánh đặc mà không biết rằng, cà phê nguyên chất có màu nâu hổ phách, thơm nhẹ và không hề có độ sánh của tinh bột…

Chia sẻ về kế hoạch này, ông Thông cho biết : “Hiện chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch đó, từ đầu năm đến nay mở thêm được 5 cửa hàng mới, nâng tổng chuỗi lên 13 cửa hàng K COFFEE.

Đúng là K COFFEE đang bắt tay với một đối tác để thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, tiến độ thực tế không nhanh như dự đoán, song cuối cùng thì hai bên cũng đã chốt xong hợp đồng cuối cùng.

Và K COFFEE dự kiến sẽ sớm nhận được tiền từ đối tác để triển khai kế hoạch phát triển chuỗi trở thành thương hiệu duy nhất tại Việt Nam về trà và cà phê với danh mục sản phẩm đầy đủ từ A đến Z, tức khép kín chuỗi từ khâu nguyên liệu, xử lý đến ra thành phẩm ly cà phê cuối cùng cho khách hàng”.

Chuỗi cà phê của 'Vua tiêu' đổi màu hồng rực rỡ, muốn cuộc chơi lớn để 'chữa lành' nỗi đau: Việt Nam là thủ phủ cà phê song dân ta lại 'uống cái gì đâu'- Ảnh 1.

Ảnh: K COFFEE đã hoàn tất thay đổi nhận diện thương hiệu tại các cửa hàng.

Ông tâm sự, mở chuỗi K COFFEE với dự định ban đầu là mang cà phê nguyên chất đến với khách hàng, vì Phúc Sinh xuất thân là công ty xuất khẩu cà phê nhiều năm, bán đi cà phê nhiều nơi trên thế giới. Trong khi Công ty bán đi thì bán cà phê chất lượng nhưng nhận thấy trong nước lại không được uống cà phê chất lượng, do đó K COFFEE được ra đời với mục đích vậy, do đó Công ty không muốn đánh bóng tên tuổi.

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu có nhận thức về việc uống cà phê và nhu cầu uống cà phê nguyên chất, đạt chất lượng nhiều hơn nên K COFFEE mở rộng. “ Chúng tôi muốn đóng góp công sức để phát triển thị trường cà phê nội địa bền vững, người dùng được uống cà phê chất lượng. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa K COFFEE với các thương hiệu ngoài thị trường” , ông Thông nói.

Định vị K COFFEE sau khi có nguồn lực mới từ đối tác sẽ phát triển thành hãng duy nhất đi từ nguyên liệu, đến pha chế và ra thành phẩm. Công ty cũng sẽ là chuỗi duy nhất có chứng nhận phát triển bền vững trên sản phẩm, cũng như có hệ thống truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Xa hơn, K COFFEE theo người đứng đầu sẽ xây dựng mô hình trải nghiệm: Cho khách hàng đến thăm vườn ở Sơn La, nếm cà phê tại chỗ và thấy được quy trình sản xuất cà phê; sau đó có thể rang xay và dùng thử cà phê tại chỗ.

Nhìn nhận về thị trường chuỗi cà phê Việt hiện nay, ông Thông cũng cho rằng dư địa vẫn còn, nhiều người đến kẻ đi.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chuoi-ca-phe-cua-vua-tieu-doi-mau-hong-ruc-ro-muon-cuoc-choi-lon-de-chua-lanh-noi-dau-viet-nam-la-thu-phu-ca-phe-song-dan-ta-lai-uong-cai-gi-dau-a96428.html