Tập đoàn Hoa Sen nói gì về đề xuất điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc?

Trong những ngày gần đây xuất hiện thông tin có doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng đã gửi hồ sơ lên cơ quan quản lý yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một trong những lý do cho đề xuất này là sản lượng nhập khẩu thép tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng như giá thép HRC từ Trung Quốc giảm mạnh.

Cụ thể, số liệu từ Tổng Cục hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn HRC với giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2%. Từ quý 1/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618USD/tấn xuống còn khoảng 520-560USD/tấn tùy loại.

Chưa có doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng nào chính thức lên tiếng về thông tin này. Và cho dù có đề xuất, việc Bộ Công thương tiến hành điều tra rồi đưa ra quyết định cũng đòi hỏi một thời gian khá dài. Phía các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép – những đơn vị sử dụng nguyên liệu đầu vào là HRC để sản xuất các loại thép thành phẩm gồm tôn mạ, ống thép, thép kết cấu và các loại thép khác – cũng không thể không lên tiếng phản biện vì sự việc ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ.

Trước khi có thông tin chính thức về việc này, thị trường HRC Việt Nam ra sao?

Sản lượng sản xuất thép cán nóng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Thép cán nóng HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.

Theo số liệu từ Báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 – hơn 13 triệu tấn/năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Việt Nam, sản phẩm HRC chỉ được sản xuất bởi 2 doanh nghiệp, bao gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Tổng công suất thiết kế sản xuất HRC của 2 đơn vị này khoảng 8,2 triệu tấn/năm. Trong trường hợp cả Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không xuất khẩu thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam. Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam tháng 12/2023 cũng cho thấy, sản lượng thép cán nóng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 chỉ đạt 3,4 triệu tấn, được phân bổ cho các công ty sản xuất tôn mạ và ống thép. Vậy, cung trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép phải nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác nhau để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, trên thực tế các nhà sản xuất HRC Việt Nam không sản xuất hoặc sản xuất với lượng hạn chế một số mác thép như thép cán nóng hợp kim thấp cường độ cao thường được sử dụng trong các ứng dụng kết cấu, hay tại Việt Nam hiện chỉ có Formosa Hà Tĩnh cung cấp sản phẩm HRC mác thép SAE1017. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép phải mua nhập khẩu khi phát sinh nhu cầu.

Điểm lợi khi dùng thép của nhà sản xuất trong nước là có thể đáp ứng yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu sang một số quốc gia. Cụ thể, hiện nay các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép tại Việt Nam đang ưu tiên sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Việt Nam để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Mexico – 2 thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của ngành tôn mạ - vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh hoặc phù hợp với các quy định theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xuất khẩu sang các quốc gia yêu cầu CO Form B như Qatar, Oman, Đài Loan cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Việt Nam.

Báo cáo Hiệp hội Thép tháng 12/2023 cho biết, ngành sản xuất HRC là một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh ảm đạm của toàn ngành thép Việt Nam.

Tình hình sản xuất và bán hàng HRC trong năm 2023 tăng trưởng lần lượt là 11,4% và 9,94% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tình hình sản xuất và bán hàng tôn mạ gần như không đổi, chỉ tăng so với cùng kỳ lần lượt là 1,4% và 2%, còn các mặt hàng thép khác như thép cán nguội, ống thép, thép xây dựng cả năm 2023 đều ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022.

Tập đoàn Hoa Sen nhận định sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không bán phá giá

Trong bản phản biện của mình, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết đã thu thập các dữ liệu bao gồm (1) giá bán nội địa của sản phẩm HRC tại thị trường Trung Quốc từ S&P Global trong giai đoạn 01/01/2023 – 31/12/2023; (2) Đơn giá xuất khẩu trung bình HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam theo điều khoản CFR và (3) ước tính giá xuất khẩu sau khi điều chỉnh về giá xuất khẩu tại xưởng sau khi trừ tất cả các loại chi phí có liên quan của sản phẩm HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo tính toán của Hoa Sen, biên độ phá giá chỉ 1,26% và đơn vị này cho rằng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá.

Phía Hoa Sen cũng cho biết: "Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá chúng tôi nhập khẩu HRC, từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn, nhưng giá bán dù cao như vậy, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán".

Chính vì vậy, Tập đoàn tôn mạ này cho rằng vì cung HRC trong nước hiện chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu HRC tại Việt Nam nên không có chuyện thừa cung trong nước, do đó các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải mua nhập khẩu, và hiện tại các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam không đối mặt với sự thiệt hại nào từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và đề xuất không áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tap-doan-hoa-sen-noi-gi-ve-de-xuat-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-cuon-can-nong-nhap-khau-tu-trung-quoc-a95589.html