Công cụ tài chính nào chỉ tăng nhẹ 1% có thể khiến Vietnam Airlines “bốc hơi” 300 tỷ đồng chi phí?

Không chỉ Vietnam Airlines, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cũng mất tiền khi tỷ giá USD/VNĐ tăng.

Tỷ giá tăng 1%, Vietnam Airlines mất 300 tỷ

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ: 

Đối với ngành hàng không, trong giai đoạn vừa qua, giai đoạn COVID-19, hậu COVID-19, ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Vietnam Airlines đưa ra một số kiến nghị đối với chính sách tiền tệ. Trong đó, ngoài mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay, tập đoàn cũng kiến nghị về vấn đề tỷ giá. 

Cụ thể, đối với tỷ giá, ông Đặng Ngọc Hòa cho biết: Như Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí chúng tôi một năm tăng lên 1.500 tỷ. Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Do đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines có nhiều khoản vay và thuê tài chính để mua máy bay và máy móc thiết bị, thanh toán chi phí cho các đối tác nước ngoài có giá trị lớn nên rủi ro tỷ giá của VNA đến chủ yếu từ biến động tỷ giá USD/VND.

Báo Đầu tư đưa thông tin (năm 2021), với chi phí thuê tàu bay là nhóm chi phí cố định có tỷ trọng lớn, chiếm đến 14-16% tổng chi phí (giai đoạn trước Covid-19) và lên tới 31-32% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid-19). 

Nếu tính toàn bộ chi phí tàu bay, thì tổng chi phí tàu bay (gồm tàu thuê và tàu sở hữu) chiếm khoảng 20-22% (giai đoạn trước Covid-19) và tăng lên 37 - 42% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid-19).

Còn theo báo Tuổi trẻ, cấu trúc chi phí của các hãng hàng không có 70% bằng USD.

Cùng một hội nghị, người kiến nghị tỷ giá thấp nhất có thể, người rầu rĩ vì tỷ giá khiến hàng xuất khẩu đắt hơn các đối thủ

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Nếu không có sự hỗ trợ, chúng ta có thể mất ngành sợi. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trái ngược với Vietnam Airlines, với những doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá càng thấp, sức cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế càng giảm.

Cũng trong hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam so sánh tương quan tỷ giá hối đoái giữa nội tệ các nước xuất khẩu dệt may trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may của Thế giới. Trong 2 năm 2022, 2023, sau đại dịch COVID-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ thì đều có xu thế kích thích xuất khẩu.

Ông Trường cho biết, bốn quốc gia trên sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Trong 2 năm 2022, 2023, nước giảm giá đồng tiền tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%); thứ hai là Banglades giảm 21% trong 2 năm, Trung Quốc giảm 11% từ 6,2 nhân dân tệ xuống 7,2 nhân dân tệ, và Việt Nam khoảng hơn 3%.

Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, 2 năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%. Đó cũng là một trong những nguyên nhân trong hai năm 2022, 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may.

Diễn biến tỷ giá 2023 và dự báo năm 2024

Theo báo cáo của Arrow Capital (2023), tỷ giá USD/VND được đánh giá là vẫn trong khả năng kiểm soát chủ động của NHNN. Nguyên nhân một phần là nhờ các yếu tố vĩ mô được cải thiện đáng kể như tổng số vốn FDI thực hiện tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tính đến cuối năm 2023, tỷ giá trung tâm tăng 1,1%; tỷ giá mua bán USD tại các ngân hàng tăng 3,04% - 3,08%; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tăng 4,1 - 4,3%, theo dữ liệu từ công ty dữ liệu WiGroup.

Nguồn: exchange-rates.org

Trong tháng 1 và 2/2024, nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất nhập khẩu và theo đó tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng khoảng 1%.

Những ngày gần đây, tỷ giá lại tiếp tục tăng mạnh. Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ NHNN công bố áp dụng cho ngày 16/03/2024 là 1 Đô la Mỹ = 23.979 VND. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng +1,85%.

Thời gian tới, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối.

Với các áp lực tỷ giá thường trực, VCBS dự báo VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2024. VND giảm giá vẫn sẽ kéo theo áp lực tăng lên lợi suất Trái phiếu chính phủ.

Nguồn: exchange-rates.org

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cong-cu-tai-chinh-nao-chi-tang-nhe-1-co-the-khien-vietnam-airlines-boc-hoi-300-ty-dong-chi-phi-a94447.html