Đa số các bệnh nhân nghi ngộ độc đang dần ổn định sức khỏe
Theo thống kế từ Sở Y tế Khánh Hòa, tổng số ca được ghi nhận tính tới 15h ngày 16/3 đã lên đến 358 ca. Trong đó, tổng số ca hiện đang điều trị là 170 ca; kê đơn theo dõi ngoại trú là 110 ca; còn lại đã được xuất viện.
Theo đánh giá của Sở Y tế Khánh Hòa, đến thời điểm hiện tại, đa số các bệnh nhân nghi ngộ độc đang dần ổn định sức khỏe, dấu hiệu sinh tồn tốt, bệnh nhân tỉnh táo. Chỉ còn số ít bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, sốt, đi cầu phân lỏng, đau bụng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để điều trị.
Đặc biệt, có 1 ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngày 15/5 có dấu hiệu diễn biến nặng, hiện đã tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, sinh hiệu ổn, triệu chứng đã giảm so với trước. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, truyền dịch; được các bác sĩ khám, làm lại các xét nghiệm, theo dõi sát tình trạng lâm sàng, điều trị, chăm sóc tích cực. Đây là bệnh nhân nữ, đang mang thai tuần thứ 18.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa huy động tối đa tất cả các nguồn lực hiện có để tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân nghi ngộ độc. Từ ngày 13/3, Sở Y tế Khánh Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Lập đoàn giám sát công tác thu dung, điều trị bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm nói trên tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Hiện tại Sở Y tế định hướng điều trị theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella group cho các bệnh nhân trong vụ việc này. Kết quả cấy phân từ 5 người bệnh trưởng thành trong vụ ngộ độc nghi có liên quan đến quán cơm gà T.A. tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa dương tính với khuẩn Salmonella. Trước đó, kết quả phân lập mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi ở Bệnh viện Vinmec Nha Trang vào ngày 15/3 cho thấy, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm dẫn đến các triệu chứng ói mửa, sốt cao, đau bụng là do Salmonella. Đây cũng là kết quả xét nghiệm sớm nhất và được Sở Y tế Khánh Hòa tham khảo kháng sinh đồ để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Lãnh đạo ngành Y tế Khánh Hòa yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị ca bệnh có liên quan đến vụ việc nêu trên mới đến nếu có. Khi có ca bệnh diễn biến bất thường, chuyển nặng cần kịp thời hội chẩn chuyên môn với bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh để đưa ra giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân.
Bộ Y tế trước đó cũng có công văn gửi Sở Y tế Khánh Hòa đề nghị triển khai nhanh chóng các công tác điều trị, thu dung và tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; xác định rõ nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Ngay sau khi có thông tin hàng trăm người nhập viện sau khi ăn cơm gà của quán mình, đại diện quán T.A đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm. Đại diện quán cơm gà này chia sẻ trên mạng xã hội: “Quán tôi đã hoạt động hàng chục năm, là một trong những quán cơm gà nổi tiếng tại Nha Trang, tôi rất tiếc khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn này. Đến nay, gia đình tôi đã chủ động thanh toán viện phí cho hơn 70 trường hợp và sẽ tiếp tục liên hệ các bệnh nhân để khắc phục hậu quả”.
Theo đại diện quán T.A., khi xuất viện các khách hàng cung cấp hóa đơn viện phí, phía quán sẽ có hỗ trợ. Đại diện quán cơm gà T.A. cho biết, tính đến nay phía quán cơm đã hỗ trợ nhiều người bệnh số tiền gần 500 triệu đồng.
Mối nguy nhiễm khuẩn Salmonella
Vụ việc trên không phải hi hữu. Cách đây chưa lâu, tại Tp.Hội An (Quảng Nam) cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 313 người mắc, 273 ca phải nhập viện sau khi ăn bánh mì Ph. - quán ăn nổi tiếng ở địa phương này. Cơ quan chức năng xác định căn nguyên gây ngộ độc là vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm mẫu cũng phát hiện trong chả heo có nhiễm khuẩn E.coli.
Thời gian qua, đã có nhiều vụ ngộ độc mà nguyên nhân được khác định là do thức ăn nhiễm vi khuẩn Salmonella. Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu trên thế giới, có thể tìm thấy vi khuẩn này trong nhiều loại thực phẩm, gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn. Nhiễm khuẩn này, bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, khó chịu, sốt, đau bụng, sau đó xuất hiện nôn mửa và đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu.
TS.Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm trùng xảy ra chủ yếu ở dạ dày ruột, nên còn có thể gọi là viêm dạ dày ruột do Salmonella. Ban đầu vi khuẩn vào cơ thể qua đường ăn uống, gây nhiễm trùng ở dạ dày ruột là chính, thời gian ủ bệnh từ 6-72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn. Bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng. Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, vi khuẩn Salmonella nguy hiểm gây khó chịu như đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong. Do đó, nếu nguồn thức ăn không bảo đảm ATTP, sẽ dễ bị nhiễm các vi sinh vật. Vì vậy, với bệnh nhân sau khi ra viện, dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu, cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như chua, cay, ngọt...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội) khuyến cáo, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí cả nước uống. Đa phần bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật ít nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc Botulinum, bệnh nhân dễ diễn biến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
M.Vy (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/phat-hien-khuan-salmonella-trong-vu-nghi-ngo-doc-do-an-com-ga-a94424.html