Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố biên bản họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2024 diễn ra vào ngày 20/2. Trong đại hội, câu hỏi được nhiều cổ đông đặt ra là hiện tay cổ phiếu FLC vẫn bị đình chỉ giao dịch và đưa vào diện cảnh báo. Vậy tình trạng này tại sao lại xảy ra và đến nay vẫn chưa xử lý xong? Lộ trình để giải quyết vấn đề này là gì?
Đại diện Ban lãnh đạo FLC đã thông tin đến cổ đông cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin các báo cáo tài chính kiểm toán. Sau sự kiện khởi tố các lãnh đạo từ đầu năm 2022 đến nay, việc kiểm toán của Tập đoàn FLC bị đình trệ, doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị kiểm toán. Đến nay, phía FLC đã tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp là Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán UHY.
Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan đến thất lạc hồ sơ, tài liệu, chuyển trụ sở văn phòng, liên hệ nhân sự cũ làm rõ và một số lý do khách quan khác nên đến nay một số nội dung tại báo cáo tài chính năm 2021 vẫn chưa được công ty kiểm toán xác định, làm rõ.
Theo đó, Tập đoàn chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 đồng thời cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm 2022, 2023. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc công ty chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHCĐ thường niên các năm 2022 và 2023.
Để cổ phiếu FLC sớm quay trở lại giao dịch, Tập đoàn FLC vẫn đang nỗ lực phối hợp với đơn vị kiểm toán UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp trên BCTC kiểm toán năm 2021 , làm cơ sở triệu tập ĐHCĐ thường niên 2022. Sau khi tổ chức thành công, FLC sẽ tiến hành các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật để triệu tập cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 trong thời gian sớm nhất, từ đó hoàn thiện hồ sơ đưa cổ phiếu FLC giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.
Được biết, liên quan đến các vi phạm về công bố thông tin, 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 9/9/2022 (trước đó đang trong diện hạn chế giao dịch).
Nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tới ngày 20/2/2023, toàn bộ số cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết trên sàn HoSE. Đến cuối tháng 6 cùng năm, toàn bộ cổ phiếu nhóm FLC đã bị hủy niêm yết trên cả 2 sàn HoSE và UPCoM, đồng thời chưa mã nào được giao dịch trở lại sau hủy niêm yết.
Về một số nội dung khác, ban lãnh đạo FLC chia sẻ hai năm 2022-2023 là một giai đoạn vô cùng gian nan, thách thức đối với Tập đoàn khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn. Mặc dù vậy, bằng nỗ lực quyết tâm cao nhất của Ban Lãnh đạo Công ty, tập thể cán bộ nhân viên cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ đồng hành từ các cơ quan nhà nước, các ngân hàng, khách hàng và nhà thầu, Tập đoàn FLC cũng đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.
Tổng giá trị tài sản hiện hữu ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, duy trì chất lượng và giá trị tài sản. Tập đoàn FLC đã và đang tiếp cận nghiên cứu nhiều dự án, trải dài trên 20/63 tỉnh thành khắp cả nước, trong đó tập trung triển khai một số dự án trọng điểm. Tập đoàn đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.
Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3.500 cán bộ nhân viên, tổng lương thưởng 2023 đạt hơn 300 tỷ đồng. Tập đoàn đã tiến hành sáp nhập 50% phòng ban, thành lập mới Ban Kinh doanh & Chiến lược, Phòng CNTT.
Năm 2024, Tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc Tập đoàn và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh Bất động sản, Kinh doanh Nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
Về lĩnh vực Bất động sản, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với Khách hàng tại 07 dự án trọng điểm như FLC Premier Parc Thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1 – HH4. Bên cạnh đó, Tập đoàn có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 06 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình.
Kế hoạch đặt ra trong năm 2024 cho mảng Kinh doanh Bất động sản của Tập đoàn FLC là đạt doanh số 1.187,2 tỷ đồng để tiến hành thi công hoàn thiện các dự án theo cam kết với Khách hàng.
Về lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn FLC sẽ tập trung khai thác vận hành các quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, khai thác tối đa công suất phòng, đảm bảo dòng tiền huy trì hoạt động của doanh nghiệp. Song song với đó, để tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, Tập đoàn sẽ tiến hành tìm kiêm đối tác có tiềm năng, đàm phán phương án hợp tác khai thác vận hành đối với một số hạng mục tại các quần thể.
Kế hoạch doanh thu đặt ra trong năm 2024 cho mảng Kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn đạt 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan khác như Cơ quan nhà nước, Khách hàng, Ngân hàng.
Về các lĩnh vực khác, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai hoạt động tại một số các lĩnh vực kinh doanh có khả năng đem lại nguồn thu và lợi nhuận cho Tập đoàn.