Các công ty thẩm định giá 'tiếp tay' cho sai phạm của Trương Mỹ Lan

Theo cáo trạng, có 5 công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản, giúp Trương Mỹ Lan rút tiền và gây thiệt hại số tiền lớn liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chiều 6/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm liên quan sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan với phần công bố cáo trạng của Viện kiểm sát.

Các công ty thẩm định giá 'tiếp tay' cho sai phạm của Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục công bố cáo trạng trong ngày làm việc thứ 2 của phiên xét xử.

Tại phần sai phạm của các bị can thuộc nhóm các công ty thẩm định giá , đại diện Viện kiểm soát cho biết, bị can Trần Văn Nhị (48 tuổi, quê Bình Định, cựu Phó giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC, là người môi giới thẩm định giá tài sản cho SCB) đã thống nhất với Trần Thị Mỹ Dung (39 tuổi, quê Kiên Giang, cựu Phó tổng giám đốc SCB), Bùi Ngọc Sơn (35 tuổi, quê Ninh Thuận, cựu Phó giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) liên hệ, thỏa thuận để Trần Thị Kim Ngân (35 tuổi, quê Tiền Giang, Tổng giám đốc Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú) phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng.

Tổng dư nợ các khoản vay trên tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 127.000 tỷ đồng. Hành vi của Trần Văn Nhị đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 110.000 tỷ đồng.

Bị can Trần Thị Kim Ngân đã thỏa thuận, thống nhất với Trần Văn Nhị về việc phát hành chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng giá trị tài sản theo yêu cầu của SCB để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn.

Từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020, Trần Thị Kim Ngân ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khách hàng.

Các khoản vay trên có tổng dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 127.000 tỷ đồng. Hành vi của Trần Thị Kim Ngân gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 110.000 tỷ đồng.

Các công ty thẩm định giá 'tiếp tay' cho sai phạm của Trương Mỹ Lan- Ảnh 2.

Có 86 bị cáo trong vụ án được triệu tập đến phiên tòa. Ảnh: Duy Anh.

Bị can Trần Tuấn Hải (34 tuổi, quê Tiền Giang, cựu nhân viên thẩm định giá Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú) thực hiện chỉ đạo của Trần Thị Kim Ngân, từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020 đã ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày phát hành chứng thư để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khách hàng.

Các khoản vay trên có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 127.000 tỷ đồng. Hành vi của Trần Tuấn Hải gây thiệt hại cho SCB số tiền 110.000 tỷ đồng.

Cáo trạng thể hiện, bị can Hồ Bình Minh (39 tuổi, quê Đà Nẵng, cựu Phó giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD) đã thỏa thuận thống nhất với Trần Thị Mỹ Dung và Bùi Ngọc Sơn để Công ty MHD phát hành chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản, phát hành lùi ngày chứng thư để SCB đưa vào hợp thức 2 hồ sơ vay vốn.

Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay khống để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng nêu trên còn dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hồ Bình Minh còn soạn thảo báo cáo, chứng thư thẩm định giá được nâng khống giá trị tài sản để Công ty Tầm Nhìn Mới phát hành chứng thư thẩm định giá, giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm hợp thức hồ sơ vay của 3 khách hàng, có dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là 15.000 tỷ đồng. Hành vi của Hồ Bình Minh đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền là hơn 11.000 tỷ đồng.

Bị can Lê Huy Khánh (53 tuổi, ngụ TP Hà Nội, cựu Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá Tầm nhìn mới) đã thống nhất với Hồ Bình Minh về việc nhận ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư để Ngân hàng SCB sử dụng, hợp thức hồ sơ vay vốn khống, rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB, với số tiền hơn 11.000 tỷ đồng.

Các công ty thẩm định giá 'tiếp tay' cho sai phạm của Trương Mỹ Lan- Ảnh 3.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 6/3. Ảnh: Duy Anh.

Bị can Đỗ Xuân Nam (47 tuổi, quê TP Hải Phòng, cựu Phó tổng giám đốc, thẩm định viên Công ty CP tư vấn, dịch vụ bất động sản DATC) đã thỏa thuận, thống nhất với Nguyễn Phương Hồng và Lê Anh Phương ký ban hành chứng thư, trong đó nâng khống tài sản thẩm định giá, phát hành lùi ngày để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ vay vốn.

Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay khống để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng nêu trên còn dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của Đỗ Xuân Nam gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 4.200 tỷ đồng.

Bị can Lê Kiều Trang (37 tuổi, quê Tiền Giang, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP thẩm định giá Exim) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Phó Giám đốc, từ năm 2017 đến năm 2019 đã trực tiếp thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty Exim phát hành 17 chứng thư nâng khống trị giá tài sản , để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm hợp thức hồ sơ vay của 11 khách hàng tại SCB, có dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 1.550 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB là 984 tỷ đồng.

Các công ty thẩm định giá 'tiếp tay' cho sai phạm của Trương Mỹ Lan- Ảnh 4.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cac-cong-ty-tham-dinh-gia-tiep-tay-cho-sai-pham-cua-truong-my-lan-a92939.html