Chân dung doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Từ ông chủ loạt trường đua chó, đua ngựa đến hệ sinh thái Tập đoàn Vabis

Doanh nhân Việt Kiều Nguyễn Ngọc Mỹ được biết đến là ông chủ loạt trường đua ngựa, đua chó từng vướng nhiều sai phạm. Đằng sau đó là hệ sinh thái đồ sộ với hàng chục pháp nhân của Tập đoàn Vabis.

Từ ông chủ loạt trường đua chó, đua ngựa

Nhắc đến bộ môn đua ngựa, đua chó tại Lâm Đồng, người ta sẽ nghĩ đến ngay một số dự án trị giá nghìn tỷ như: Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn của Công ty Cổ phần đua ngựa Thiên Mã - Madagui; dự án Trung tâm nuôi - huấn luyện ngựa đua, du lịch Đạ Huoai của Công ty TNHH Hồng Lam - Madagui...

Đây là hai trong số các dự án "đình đám" của doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ (sinh năm 1950) quê gốc ở Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm đầu thập niên 2000, ông Mỹ được biết đến là người đầu tiên đã đưa môn đua chó vào Việt Nam bằng việc thành lập Công ty Dịch vụ Thể thao Thi đấu Giải trí (SES) và xây dựng trường đua chó Lam Sơn (tại sân vận động Lam Sơn, thành phố Vũng Tàu).

Chân dung doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Từ ông chủ loạt trường đua chó, đua ngựa đến hệ sinh thái Tập đoàn Vabis- Ảnh 1.

Ngựa biểu diễn tại dự án Trường Đua ngựa Thiên Mã – Madagui

Đây cũng là trường đua chó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ ngày 10/3/2023, trường đua đã bị ngưng hoạt động do dự án hết thời gian cấp phép. Trước khi đóng cửa, trường đua chó này đã tổ chức gần 1.500 kỳ đua, thu hút hàng triệu khách tới vé xem giải đấu.

Không chỉ đầu tư trường đua chó, doanh nhân này cũng chính là ông chủ của hàng loạt trường đua ngựa tại nhiều tỉnh thành. Trước khi xây dựng hai dự án ở Lâm Đồng như đã nêu trên, ông Mỹ là chủ nhân Trường đua ngựa Phú Thọ (TP.HCM) đã bị buộc phải đóng cửa.

Từ một dự án Trung tâm nuôi – Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai, ông Mỹ tách thành 3 dự án, trong đó, dự án trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui có diện tích là 70ha tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai.

Dự án này được đầu tư từ năm 2011 nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa hoàn thành bởi chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng.

Tháng 1/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 139/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Thiên Mã – Madagui chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã – Madagui – Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn.

Cụ thể, Công ty Thiên Mã – Madagui được phép chuyển mục đích sử dụng hơn 6.570 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất thương mại, dịch vụ, thời hạn sử dụng đến ngày 05/9/2056.

Trước đó, tháng 11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định chấp thuận chủ trương điều chỉnh đầu tư dự án Trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui. Ngoài bổ sung mục tiêu xây dựng trường đua chó, dự án này được gia hạn tiến độ thêm 24 tháng, tức đến tháng 11/2025.

Tổng mức đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh tăng lên 1.548,6 tỷ đồng, gồm 233,6 tỷ đồng vốn tự có của Công ty Thiên Mã – Madagui và 1.315 tỷ đồng vốn huy động, vốn vay.

Chân dung doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Từ ông chủ loạt trường đua chó, đua ngựa đến hệ sinh thái Tập đoàn Vabis- Ảnh 2.

Đường đua ngựa 2.000m2 tại dự án Trường đua ngựa Thiên Mã Madagui đang được xây dựng. Ảnh: Vietnamnet

Trước khi được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tháng 8/2023, Công ty Thiên Mã – Madagui bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Quyết định 613/QĐ-XPHC của UBND huyện Đạ Huoai.

Số tiền công ty này bị xử phạt là 80 triệu đồng. Nguyên nhân là công ty này đã có hành vi sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Qua kiểm tra, Công ty Thiên Mã - Madagui đã đầu tư xây dựng 16 công trình, hạng mục công trình, với tổng diện tích xây dựng là 6.460m2 đều được thực hiện trên phần đất chưa được chuyển mục đích sử dụng đất và cũng chưa được cấp phép xây dựng.

Theo quyết định, cơ quan chức năng buộc doanh nghiệp này phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Để xây dựng và khai thác các dự án trường đua, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ là người sáng lập và đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần đua ngựa Thiên Mã - Madagui (thành lập tháng 10/2012). Theo cập nhật đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 1/2021, công ty có vốn điều lệ 265 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Ngọc Mỹ chiếm 67,925%; Công ty TNHH Hồng Lam - Madagui 20,755%; Công ty Cổ phần Giải trí Thiên Mã 11,320%.

Hai pháp nhân Công ty Cổ phần Giải trí Thiên Mã và Công ty TNHH Hồng Lam – Madagui cũng do ông Mỹ đảm nhận chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Trong đó, Công ty Cổ phần Giải trí Thiên Mã thành lập tháng 11/2001. Còn Công ty TNHH Hồng Lam – Madagui thành lập tháng 4/2005, tại tháng 12/2022, vốn điều lệ đạt 177 tỷ đồng, ông Mỹ góp 99,6%.

Ngoài trường đua tại TP.HCM hay Lâm Đồng, ông Mỹ còn xây dựng trường đua chó Xuân Thành tại quê hương Hà Tĩnh. Dự án Trường đua chó có tên đầy đủ là Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành ngày 10/5/2007.

Ngày 25/12/2014, dự án nhận được Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh sang pháp nhân mới (tách ra từ Công ty cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành) là CTCP Đua chó Xuân Thành. Theo cập nhật đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm tháng 6/2023, CTCP Đua chó Xuân Thành có vốn điều lệ hơn 119 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.

Được biết, trường đua chó Xuân Thành nằm trong tổ hợp dự án 5 sao Xuân Thành Golf & Resort tại bãi biển Xuân Thành (tỉnh Hà Tĩnh), rộng 121,2ha.

Dự án này do Công ty Cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành là chủ đầu tư. Ngoài trường đua chó, tổ hợp này quy tụ nhiều dịch vụ giải trí như: Sân golf 18 lỗ; khu nghỉ dưỡng cao cấp Hoa Tiên Paradise; khu cắm trại Hoa Nắng Beach Camping, công viên Thiên Điểu, khu vực sân khấu ngoài trời, khu vui chơi dưới nước...

Công ty Cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Trong các cổ đông sáng lập, ông Nguyễn Ngọc Mỹ góp 96% cổ phần. Dù vậy ông Mỹ nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT tới tháng 1/2022.

Từ tháng 3/2025 đến nay, ông Hoàng Sơn Dương (sinh năm 1980, trú Cầu Giấy, Hà Nội) đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật. Đáng nói, hồi tháng 9/2023, Cục Thuế Hà Tĩnh đã có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hoàng Sơn Dương do Công ty Cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Hồi tháng 1/2023, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 23/QĐ-CTHHI về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Tại thời điểm bị cưỡng chế, doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá 121 ngày, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của công ty tại ngân hàng nhưng không có hiệu quả. Số tiền bị cưỡng chế là 61,7 tỷ đồng.

Đến hệ sinh thái Tập đoàn Vabis

Thực tế, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành được biết là một thành viên của Tập đoàn Vabis (Vabis Group, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam) cũng do doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ làm Chủ tịch HĐQT.

Chân dung doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Từ ông chủ loạt trường đua chó, đua ngựa đến hệ sinh thái Tập đoàn Vabis- Ảnh 3.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ. Ảnh: Báo Nghệ An

Theo thông tin giới thiệu trên website Vabisgroup.com, sau thời gian dài định cư tại Australia từ năm 1978, ông Nguyễn Ngọc Mỹ trở về Việt Nam năm 1992. Đến năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Xây dựng Việt Nam – Australia (tiền thân Tập đoàn Vabis ngày nay) hoạt động trong lĩnh vực hoàn thiện công trình, xây lắp hệ thống điện, nước, sơn phết, trang trí nội thất, …

Đến nay, website tập đoàn này giới thiệu các lĩnh vực hoạt động khác như: Tư vấn và phát triển dự án, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao và giải trí, đào tạo nghề.

Thông qua một số công ty thành viên như đã nêu ở trên, Tập đoàn Vabis đang sở hữu hai dự án nghỉ dưỡng là Hoa Tiên Paradise và Thiên Mã - Madagui.

Trong lĩnh vực thể thao giải trí, ngoài các trường đua ngựa đua chó tại Lâm Đồng và TP.HCM, Vabis Group còn giới thiệu sở hữu Trường đua chó tại Sân Vận Động Lam Sơn – Vũng Tàu được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đua chó theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP vào tháng 6/2020.

Tuy nhiên, Trường đua chó đã ngưng hoạt động kể từ ngày 10/3/2023 tại sân vận động Lam Sơn, TP. Vũng Tàu do hết thời gian hoạt động của dự án.

Trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, Vabis Group thông qua CTCP Hồng Lam Vũng Tàu sở hữu dự án One Opera Complex là dự án tổ hợp khách sạn 5 sao gồm các loại hình căn hộ du lịch (condotel), căn hộ khách sạn và trường đua chó tọa lạc tại góc đường Thùy Vân – Hoàng Hoa Thám, TP. Vũng Tàu. Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính hơn 3.650 tỷ đồng. CTCP Hồng Lam Vũng Tàu thành lập tháng 6/2009 cũng do ông Nguyễn Ngọc Mỹ đứng tên đại diện.

Trong lĩnh vực du lịch, ông Mỹ cũng là đứng tên đại diện tại CTCP Du lịch Vabis One Opera nhưng doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Vabis Group vận hành Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Vabis Hồng Lam. Theo giới thiệu, tiền thân của ngôi trường là Trường Trung cấp nghề Hồng Lam thành lập vào năm 2007.
Đến năm 2011, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Vabis Hồng Lam theo Quyết định Quyết định số 1310/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ngày 20/10/2011. Đối tác chiến lược trong đào tạo của trường là Học viện Cao đẳng nghề Box Hill (Australia).

Theo tìm hiểu của ANTT, hiện doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ vẫn đang đứng tên loạt doanh nghiệp khác như: CTCP Công nghệ Truyền thông và Giải trí Thiện Mỹ (thành lập tháng 10/2015); Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vabis Việt Nam (thành lập tháng 5/2023); chi nhánh Lâm Đồng Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vabis Việt Nam; CTCP Xây dựng Hồng Mã (thành lập tháng 2/2006); CTCP Hồng Lam Nguyễn Kiệm (thành lập tháng 11/2017); Công ty TNHH Gia Lai Abattooir thành lập tháng 3/2016 nhưng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Dù vậy, trong 30 năm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Mỹ buộc phải đóng cửa. Đó là Công ty cổ phần IFB thành lập tháng 6/2017, đóng mã số thuế vào tháng 6/2020; CTCP Công nghệ Nano Hành giả thành lập tháng 8/2018, đóng mã số thuế vào tháng 9/2022; Câu lạc bộ doanh nhân Việt - chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Nhất du thành lập tháng 7/2015, đóng mã số thuế tháng 12/2023; Công ty cổ phần Du lịch Hồng Lam Đà Nẵng thành lập tháng 6/2016, đóng mã số thuế tháng 8/2022; CTCP Dịch vụ Công nghệ thông tin SMS Việt Nam thành lập tháng 8/2016, đóng mã số thuế tháng 9/2022; Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Úc thành lập tháng 5/2010, đóng mã số thuế tháng 12/2017 và nhiều chi nhánh công ty.

Ngoài sự nghiệp kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ còn được biết đến là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chan-dung-doanh-nhan-nguyen-ngoc-my-tu-ong-chu-loat-truong-dua-cho-dua-ngua-den-he-sinh-thai-tap-doan-vabis-a92621.html