Bài toán bứt tốc cho Y tế tư nhân

Không chỉ tham gia vào công cuộc chăm sóc sức khoẻ người dân, cạnh tranh của hệ thống y tế tư nhân cũng khiến các bệnh viện công phải nâng cấp chất lượng, nhân lực và cơ sở vật chất.

Cạnh tranh của Bệnh viện tư kéo chất lượng ngành y tế

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có 304 bệnh viện tư nhân. Đây là con số nhỏ hơn nhiều so với hơn 1.000 bệnh viện công quy mô lớn trên cả nước. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân, hiện có những bệnh viện tư nhân vượt trội, được người dân tín nhiệm lựa chọn khám chữa bệnh, điều trị bệnh. Trước đây nhiều người ra nước ngoài khám chữa bệnh nhưng giờ bệnh nhân muốn ở lại để khám chữa bệnh trong nước. Cạnh tranh của bệnh viện tư khiến nhiều bệnh viện công nâng cấp cả về chất lượng, con người và cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, hiện bệnh viện tư mới đạt 5% tổng số giường bệnh, để đạt mục tiêu 15% đến năm 2025, cần hệ thống y tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thu hút nhiều tổ chức đầu tư lớn.

Được đánh giá là một trong những nhà đầu tư lớn nhất miền Bắc trong lĩnh vực y tế, ngay sau Tết nguyên đán, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) thông báo tuyển dụng nhân lực quy mô lớn để chuẩn bị đưa bệnh viện TNH Việt Yên 300 giường bệnh vào hoạt động. Cuối tháng 2 này, bệnh viện TNH Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng sẽ khởi công. Dự kiến, TNH Hà Nội sẽ khởi công trong năm 2024 với vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh.

Bài toán bứt tốc cho Y tế tư nhân - Ảnh 1.

Theo ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT TNH, hệ thống y tế công cộng bị quá tải, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu, bởi vậy, phát triển khu vực tư nhân là chủ trương đúng đắn, là xu thế tất yếu giúp bổ sung cơ sở khám chữa bệnh, để người dân có nhiều lựa chọn hơn cho việc chăm sóc sức khỏe.

Các bệnh viện tư được quản trị tốt, cơ sở vật chất đầy đủ, đã tạo tiện ích cho người bệnh, đặc biệt giảm tải cho các bệnh viện công, bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, ở một số tỉnh thành, người bệnh không còn phải cố công về Hà Nội hoặc TP.HCM, kéo theo người nhà phải nằm chực chờ để điều trị bệnh. Nếu khách hàng có nhu cầu, bệnh viện sẽ mời các giáo sư, bác sĩ giỏi tuyến trung ương về tỉnh phẫu thuật, thăm khám… mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh về di chuyển, điều kiện chăm sóc và cả chi phí.

Bộ Y tế từng thống kê người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm ra nước ngoài chữa bệnh. Khi các bệnh viện tư đầu tư lớn cho hệ thống y tế chuyên sâu, với nguồn nhân lực chất lượng cao, tình trạng chảy máu ngoại tệ này được kỳ vọng giảm bớt.

Y tế tư nhân đầu tư mạnh cả về cơ sở vật chất và con người, theo đánh giá của ông Khoa là hướng đi đúng. Chính sách sẽ được xây dựng theo hướng bình đẳng giữa các cơ sở y tế, khuyến khích đầu tư cho y tế tư nhân "Trong Asean chỉ Việt Nam có chính sách cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài vào bệnh viện và các phòng khám", ông Khoa cho biết.

Thách thức của đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe

Đầu tư vào lĩnh vực sức khoẻ có không ít thách thức. Đó là thời gian thu hồi vốn kéo dài, là ngành nghề tác động trực tiếp vào con người vì thế không đơn giản. Đó là khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, hệ thống bác sỹ, điều dưỡng cần thời gian dài để đào tạo.

Ông Đệ cho biết, thực tế, có không ít bệnh viện tư được thành lập với mục đích để thu hồi vốn nhanh, chạy theo lợi nhuận. Việc chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt đã khiến bệnh viện chỉ duy trì được hoạt động một thời gian ngắn và bị người bệnh tẩy chay. Vì thế các bệnh viện thành công đều có chiến lược mục tiêu lâu dài, đưa chăm sóc cũng như dịch vụ tiện ích cho người bệnh lên hàng đầu, ưu tiên chất lượng và đầu tư vào con người.

Theo ông Hoàng Tuyên, bên cạnh chế độ lương thưởng, phúc lợi xã hội cạnh tranh để thu hút các y bác sĩ giỏi, TNH chú trọng công tác tuyển dụng, đài thọ chi phí đào tạo cho các bác sĩ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường và gửi đi đào tạo cả trong và ngoài nước sau khi đã gia nhập TNH làm việc.

Nhờ chiến lược nhân sự đó, từ 1 cơ sở y tế ban đầu có quy mô 150 giường bệnh, đến nay, TNH đã phát triển 2 cơ sở bệnh viện tại Thái Nguyên, 1 cơ sở bệnh viện tại Bắc Giang với 850 giường bệnh và hơn 1.300 dịch vụ y tế.

Khi được quản trị tốt, các bệnh viện tư ngày càng phát triển. Sự cạnh tranh và tương tác giữa hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân sẽ quyết liệt. Thực tế này buộc các cơ sở y tế công lập phải thay đổi về phương thức quản lý, nâng cao chất lượng, tinh thần phục vụ, nếu không y tế tư nhân sẽ vượt qua, không chỉ trong thu hút người bệnh mà cả sức hút với nguồn nhân lực.

Để thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 20/NQ-TW năm đề ra, phấn đấu tỷ lệ giường bệnh của y tế tư nhân đạt gấp 3 hiện nay vào năm 2025, giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ về đất đai, chính sách thuế và lãi suất ngân hàng để thúc đẩy đầu tư vào y tế tư nhân. Các bệnh viện tư nhân phải tự chủ hoàn toàn nên chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Tạo ra cơ chế giúp khu vực này phát triển bền vững đồng nghĩa với việc đem lại các giá trị cộng đồng lớn, giúp người dân yên tâm, có điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/bai-toan-but-toc-cho-y-te-tu-nhan-a91813.html