Xuất khẩu thủy sản và những mục tiêu năm 2024

Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu khá khiêm tốn, tương đương với năm 2023 trước tình hình có nhiều biến động như hiện nay.

Cơ hội và thách thức đan xen

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, năm 2023 là một năm vượt khó của ngành xuất khẩu thủy sản khi nhiều doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu nhưng đã giảm hơn 30% lượng xuất. Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực và linh hoạt trong ứng phó với thị trường nên hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu cơ bản đạt mục tiêu đề ra với 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, năm 2023 là thời điểm phải “gồng mình” trước hàng loạt khó khăn về chi phí đầu vào tăng cao và gặp ách tắc về thị trường khi người tiêu dùng ngoài nước đã thắt chặt chi tiêu. Doanh nghiệp xuất khẩu phải cạnh tranh khốc liệt về giá bán, thị trường và cả những rào cản thương mại.

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng cho biết, trong năm 2023, thị trường Mỹ, châu Âu do chịu tác động của lạm phát, nên sức tiêu dùng của khách hàng cũng hạn chế.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cần có thời gian để xác lập lại, nên nhu cầu thị trường cũng chậm cùng với một số trục trặc do tác động của cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và một số nước khác.

Tuy nhiên, nhìn chung vào những tháng cuối năm thị trường có những tín hiệu tích cực, diễn biến thị trường ở một số nước cũng dần ổn định, nhất là thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, tốc độ khôi phục, tăng trưởng ở những tháng cuối năm 2023 bắt đầu tốt lên. Đây cũng là một trong những niềm tin để các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.

Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng đội lên do tác động của nhiều yếu tố, chủ yếu là cước vận chuyển, với mức tăng vào khoảng 4% - 5%, nhưng chỉ mang tính thời điểm và kỳ vọng sớm sẽ trở lại bình thường.

“Diễn biến thị trường xuất khẩu cho thấy 3 tháng gần đây có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, nhất là thị trường Trung Quốc, qua đó góp phần đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Từ nhiều yếu tố tác động, đối với các chỉ tiêu cơ bản của công ty có một vài chỉ tiêu tăng trưởng tốt, số ít chỉ tiêu chưa đạt được, riêng chỉ tiêu lợi nhuận không đạt được mục tiêu đề ra. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết doanh nghiệp”, ông Đạo nói.

Còn ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công Ty CP Chế Biến XNK Thủy Sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood ) nhìn nhận, những động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các địa phương, ban, ngành để gỡ “thẻ vàng” IUU, nhu cầu thị trường vẫn có những dấu hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành thủy sản trong quý II, quý III/2024.

“Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản sang các nước lân cận tìm đối tác gia công cũng là cơ hội của Việt Nam. Trong năm 2023, Baseafood đã tăng lượng hàng gia công cho Nhật lên gần 30% và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024 cùng các sản phẩm giá trị gia tăng dành cho người già và trẻ nhỏ”, ông Dũng nói.

Phục hồi chậm, tăng trưởng vào nửa cuối năm

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) chỉ ra, tình hình khó khăn chung khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Dự báo, khó khăn này sẽ tiếp tục trong những tháng đầu năm 2024 vì có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề chính trị khác trên thế giới cũng làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá thành sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

Chưa kể, các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ nên phải đi qua kênh đào Suez. Do đó, căng thẳng biển Đỏ đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phân tích, xuất khẩu thủy sản đang khó khăn nhất vẫn là thị trường châu Âu bởi phần lớn hàng hóa xuất sang thị trường này phải đi qua kênh đào Suez, ngoài ra việc giá cước tăng 30%, thời gian vận chuyển kéo dài cũng đang phát sinh tâm lý e ngại.

Song, căng thẳng biển Đỏ làm thiệt hại đến xuất khẩu thủy sản sang châu Âu cũng chỉ ở mức độ, vì tháng 1/2024 chưa phải là tháng cao điểm xuất khẩu. Mặt khác, các nước cũng đã mua hàng xong và đang chờ giải phóng hàng tồn sau mùa lễ hội mới bắt đầu đặt hàng tiếp, nhưng phải đến giữa tháng 6 hoặc tháng 7/2024 mới có thể thấy sự phục hồi ở thị trường châu Âu, còn thời điểm hiện nay vẫn đang ở trạng thái khá khó khăn.

Thị trường Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đối với hàng hóa đến phía bờ Đông, còn bờ Tây thì không đi qua kênh đào Suez nhưng nhìn chung thị trường này cũng bị ảnh hưởng lớn.

“Vấn đề bây giờ của xuất khẩu thủy sản là cân nhắc cái nào có thể giải quyết được thì làm vì tình hình chung của thị trường đang giằng co, có thể từ nay đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ, chúng ta cần chuẩn bị và chờ đợi. Tuy kinh tế nước Mỹ đang tốt lên nhưng tình hình tiêu thụ cũng khó trở lại bình thường giống như trước, vì cần có thời gian để người tiêu dùng cân nhắc quyết định chi tiêu mạnh tay hơn, mua bán nhiều hơn”, ông Hòe chỉ ra.

Nói về vấn đề chuyển hướng thị trường, ông Hòe băn khoăn vì muốn chuyển hướng thị trường không phải “một sớm, một chiều” có thể làm được, về lâu dài đương nhiên vẫn phải tính đến nhưng không thể nào thực hiện trong thời điểm hiện nay.

Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm để làm sao tăng thị phần bằng cách tăng cường các hoạt động về quảng bá cũng như các vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm và một số yếu tố liên quan khác, nhất là những yếu tố mà thủy sản Việt Nam thuận lợi hơn.

Như trước đây xuất khẩu thủy sản chủ yếu xuất bằng đường bộ nên chỉ phục vụ được khu vực phía dưới, bây giờ xuất khẩu đường biển đang chiếm tỷ lệ rất cao, đây sẽ là yếu tố giúp đưa hàng vào sâu nội địa Trung Quốc và tạo ra nhiều cơ hội hơn ở thị trường này.

Vì những khó khăn và thách thức của ngành thủy sản vẫn còn, nhất là tình hình phục hồi kinh tế tại các thị trường trọng điểm nên VASEP đặt mục tiêu kim ngạch bằng với năm 2023, nếu thời gian sau thuận lợi xuất khẩu tốt lên kim ngạch lại đạt cao hơn, nhưng sẽ không vượt qua con số ngành từng đạt được trong năm 2022 là 9 tỷ USD.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/xuat-khau-thuy-san-va-nhung-muc-tieu-nam-2024-a90242.html