Xác định được tiềm năng, lợi thế và con đường đi lên phù hợp chính là chìa khóa để các địa phương chuyển mình, đón nhận những vận hội phát triển mới. Với Bắc Kạn, từ một địa phương nghèo ở miền núi phía Bắc, tỉnh nỗ lực vươn mình bứt phá, đánh thức những tiềm năng, định vị thương hiệu trên bản đồ phát triển. Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn để tìm hiểu rõ hơn về con đường phát triển mà tỉnh đang hướng tới.
6 đột phá phát triển tỉnh Bắc Kạn
Người Đưa Tin (NĐT): Năm 2023 có thể được xem là một dấu mốc đối với việc định hướng phát triển của tỉnh Bắc Kạn khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết, Bắc Kạn đón nhận những định hướng phát triển từ bản Quy hoạch này như thế nào?
Ông Đinh Quang Tuyên: Trước hết, phải khẳng định việc Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một tin mừng đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Điều này rất có ý nghĩa bởi quy hoạch đóng vai trò là công cụ nền tảng để định hướng phát triển của tỉnh một cách tổng thể, giúp thống nhất nhận thức và hành động, tận dụng tốt nhất các nguồn lực, lợi thế tiềm năng sẵn có, là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.
Quy hoạch tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phát phát triển, đây sẽ là những đột phá quan trọng, tạo tiền đề, định hướng cho tỉnh Bắc Kạn phát triển trong thời gian tới.
Để cụ thể hóa các định hướng lớn được vạch ra trong Quy hoạch tỉnh, hiện nay, các sở, ban ngành của Bắc Kạn đang khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tinh thần được quán triệt là phải có tư duy, cách tiếp cận mới; trên cơ sở Quy hoạch và bám sát thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.
NĐT: Thưa ông, với định hướng từ Quy hoạch tỉnh, con đường phát triển của Bắc Kạn sẽ được hình dung như thế nào?
Ông Đinh Quang Tuyên: Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Bắc Kạn đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa.
Kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, bền vững; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để thực hiện mục tiêu đó, Bắc Kạn sẽ tập trung vào việc thực hiện 6 đột phá chiến lược.
Thứ nhất, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng thế mạnh về môi trường, sinh thái, cảnh quan và văn hóa của tỉnh. Đây là chủ trương phát triển xuyên suốt của tỉnh trong thời gian tới cả trung và dài hạn, lĩnh vực du lịch sẽ là trung tâm phát triển kết nối với các ngành khác như dịch vụ, nông lâm nghiệp, bất động sản,..
Thứ hai, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực.
Thứ ba, phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu.
Thứ tư, thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai phá tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thứ năm, Bắc Kạn chú trọng vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh
Thứ sáu, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật cao.
Đánh thức “nàng tiên đang say ngủ”
NĐT: Được xác định là 1 trong 6 đột phá chiến lược, trong những năm qua, ngành du lịch đã, đang được Bắc Kạn quan tâm và dành nguồn lực phát triển. Để tận dụng lợi thế vốn có, tỉnh có định hướng làm du lịch như thế nào để khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch?
Ông Đinh Quang Tuyên: Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Trong đó, trọng điểm là Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, Khu RAMSA thứ 1.938 của thế giới, là khu vực phong phú về đa dạng sinh học, có nhiều nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình rừng và hồ trên núi đá vôi. Hồ Ba Bể được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt 2012, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều thắng cảnh khác và di tích An toàn khu ATK Chợ Đồn cùng nhiều lễ hội, phong tục đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, những tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác, phát huy xứng tầm. Nhiều người vẫn ví von rằng hồ Ba Bể đẹp như nàng tiên nhưng nàng tiên ấy vẫn đang say ngủ, chưa thức giấc. Trong bối cảnh kinh tế chung ngày càng phát triển, du lịch sẽ càng có cơ hội tăng trưởng bền vững, đặc biệt du lịch sinh thái và văn hóa đang có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đó là cơ sở để Bắc Kạn lựa chọn, xác định, đặt mục tiêu đưa du lịch là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh xác định sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, tập trung đầu tư vào các tổ hợp dự án du lịch với phạm vi, quy mô phù hợp, đảm bảo bền vững, chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại có tính kết nối lan tỏa trong khu vực.
Theo đó, định hướng đầu tư, phát triển khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia; khu du lịch hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm, khu du lịch được công nhận; di sản Ba Bể - Na Hang được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực phát triển 4 cụm du lịch, gồm: Cụm du lịch Ba Bể và phụ cận; cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận; cụm du lịch ATK Chợ Đồn và phụ cận; cụm du lịch Na Rì - Ngân Sơn.Phát triển 15 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại các huyện, thành phố.
Để thúc đẩy du lịch tỉnh sẽ phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của tỉnh, gồm: Du lịch gắn với các giá trị tự nhiên, giá trị sinh thái, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch gắn với giá trị văn hoá, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi,..
NĐT: Bên cạnh những tiềm năng vốn có, xin ông cho biết, đâu là điểm nghẽn cản trở sự phát triển ngành du lịch của Bắc Kạn. Tỉnh sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn đưa du lịch phát triển?
Ông Đinh Quang Tuyên: Thực tế cho thấy, dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên chất lượng dịch vụ của các sản phẩm du lịch của Bắc Kạn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; đầu tư nguồn lực dành cho phát triển du lịch còn thấp, chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn. Đặc biệt là doanh nghiệp du lịch quy mô còn nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tua, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế.
Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất chính là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Khoảng cách từ Thủ đô Hà Nội tới tỉnh Bắc Kạn không xa nhưng mất nhiều thời gian di chuyển. Cụ thể, tuyến đường cao tốc từ huyện Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn chưa hoàn thành; tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể đường quanh co, nhỏ, xuống cấp khiến việc đi lại rất khó khăn. Chúng tôi xác định cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là đột phá đưa du lịch phát triển.
Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng cả trung ương và địa phương cho lĩnh vực giao thông, trong đó, trọng điểm là đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố Bắc Kạn và đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).
Khi hai tuyến đường này hoàn thành, lưu thông từ Hà Nội tới hồ Ba Bể sẽ chỉ còn khoảng ba giờ đồng hồ. Chúng tôi tin tưởng và quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ đến các điểm, khu du lịch.
Hướng đi mới từ kinh tế rừng
NĐT: Giữa năm nay, khi thăm và làm việc với tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, Bắc Kạn phải phát triển kinh tế, tập trung vào 2 đột phá là kinh tế rừng và du lịch. Với kinh tế rừng, xin ông cho biết tỉnh sẽ hiện thực hóa động lực tăng trưởng này như thế nào?
Ông Đinh Quang Tuyên: Bắc Kạn xác định sẽ phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ và dược liệu của của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Để làm được điều đó, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp với việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, giữa các vùng, quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chí và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Kinh tế nông nghiệp sẽ được quan tâm chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới đặc biệt là gắn với du lịch trải nghiệm.
Trong phát triển kinh tế rừng, Bắc Kạn xác định có 3 trọng tâm cần hướng tới gồm phát triển thị trường tín chỉ cacbon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; phát triển các vùng sản xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn bền vững để đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ; chú trọng phát triển dịch vụ môi trường rừng,... Ngoài những yếu tố kinh tế thuần túy việc duy trì tiếp tục tỷ lệ che phủ rừng cao trong thời gian tới sẽ là nền tẳng cho việc giữ vững môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, chất lượng không khí cho tỉnh cũng như cả các khu vực lân cận nó là nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.
NĐT: Rõ ràng, định hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn đã mang lại hiệu quả khi tỉnh vươn lên trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Tỉnh đã có cách làm như thế nào để thu được kết quả đáng mừng này?
Ông Đinh Quang Tuyên: Với cơ cấu kinh tế 60% là nông lâm nghiệp, chúng tôi thực tế có nhiều lợi thế khi thực hiện đề án OCOP. Nhất là khi Bắc Kạn có rất nhiều những loại nông sản đặc trưng để phát triển thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, OCOP là một chương trình mới, lần đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nên khi triển khai chúng tôi cũng gặp phải nhiều khó khăn và phải đi một chặng đường khá dài.
Chúng tôi đã phải mất 2 năm (2016 - 2017) để làm công tác khảo sát, tuyên truyền, xây dựng đề án. Cho đến 5/2018, chương trình OCOP Bắc Kạn mới được phê duyệt đề án. Ngay trong tháng 5/2018, sau khi phê duyệt, tỉnh đồng thời cũng đặt mục mục tiêu có 20 sản phẩm trong năm đầu tiên. Hết năm 2018, Bắc Kạn đã có 37 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Như vậy, từ lúc ý tưởng hình thành, Bắc Kạn đã phải qua quá trình 3 năm triển khai mới có sản phẩm OCOP đầu tiên. Đến nay, sau 5 năm thực hiện OCOP, Bắc Kạn đã có hơn200 sản phẩm OCOP, đang là tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP. Hiện tại tỉnh đang chú trọng hơn vào việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm để nâng cao hiệu quả chương trình.
NĐT: Quy hoạch tỉnh xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng. Vậy tỉnh sẽ triển khai triển khai như thế nào trong thời gian tới?
Ông Đinh Quang Tuyên: Quy hoạch tỉnh xác định tập trung phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; du lịch trở thành ngành mũi nhọn và công nghiệp là động lực phát triển.
Năm 2023, Bắc Kạn tăng trưởng 6,33%, cao nhất trong 3 năm gần đây, xếp thứ 6 trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và xếp thứ 33 so với cả nước, trong đó: khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,16% (công nghiệp 10,85%, xây dựng 8,16%); khu vực dịch vụ tăng 7,13%. Từ kết quả trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng đạt mức cao và đóng góp lớn và tốc độ tăng trưởng chung cả tỉnh
Mục tiêu trong năm 2024 công nghiệp tăng trưởng 16%. Do vậy, tỉnh xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hạ tầng như giao thông kết nối, khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương; cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường đầu tư thông thoáng; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/danh-thuc-tiem-nang-mo-duong-phat-trien-cho-bac-kan-a89885.html