Những kế hoạch tỷ đô từ ngoại giao kinh tế

Khi Nvidia (Tập đoàn sản xuất chíp đắt nhất thế giới) quan tâm đến Việt Nam sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp khác quan tâm, vì các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư theo xu thế, tạo nên hệ sinh thái bổ sung cho nhau. Singapore đang rất muốn triển khai dự án mua điện gió ngoài khơi Việt Nam với quy mô trên 10 tỷ USD. Phòng Thương mại Việt Nam đầu tiên trên thế giới mang tên Vietcham vừa được thành lập ở Thái Lan…

Đó là một số kết quả của ngoại giao kinh tế, một trong những trụ cột của công tác ngoại giao mà các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực thúc đẩy, để biến các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện thành kết quả cụ thể, phục vụ lợi ích phát triển của đất nước.

Hệ sinh thái mới

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 cuối tháng 12/2023, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên ưu tiên các lĩnh vực hợp tác về khoa học công nghệ, phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư. Điều này tạo ra một làn sóng quan tâm Việt Nam không chỉ của các doanh nghiệp Mỹ mà cả những quốc gia khác, khiến những công ty chưa có dự án ở Việt Nam muốn tìm hiểu cơ hội, và nhiều hãng đã hiện diện ở đây muốn mở rộng hợp tác. Nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, chuyển đổi số…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, CEO Nvidia, trong cuộc gặp tháng 9/2023 tại MỹẢnh: VGP

Vừa qua, CEO Nvidia Jensen Huang có chuyến thăm và cam kết thành lập pháp nhân ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của tập đoàn chip hàng đầu nước Mỹ. “Chuyến đi này chắc chắn sẽ mở ra những chuyến đi tiếp theo. Tôi sẽ trở lại Việt Nam, trở về quê hương thứ hai của Nvidia”, ông Huang nói trong chuyến thăm.

Đại sứ Dũng cho rằng, chắc chắn thời gian tới sẽ còn nhiều sự quan tâm tương tự. Các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam thường theo xu thế, để cùng làm hoặc làm những việc khác nhau nhằm bổ sung cho nhau, tạo nên hệ sinh thái tốt hơn, thuận lợi hơn, trong đó có cả những hoạt động không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đầu tư mà chỉ để hỗ trợ, như đào tạo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…

Bên cạnh thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, năm 2023, Việt Nam ký FTA với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký hơn 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương, hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp...

Nvidia hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI). Doanh thu bán bộ xử lý đồ họa (GPU) và các sản phẩm khác liên quan đến AI đã tăng mức vốn hóa thị trường của hãng lên 1.190 tỷ USD. Forbes ước tính tổng tài sản của ông Huang là 42,4 tỷ USD. Nếu kế hoạch của Nvidia trở thành hiện thực, Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất của hãng, đó có thể sẽ là cú hích giúp ngành công nghệ Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ cao của thế giới.

Singapore nhìn thấy tiềm năng cực lớn

Singapore luôn là nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 8/2023, hai bên động thổ 4 khu công nghiệp VSIP mới, và phía Singapore có ý định đầu tư thêm 6 khu công nghiệp nữa. Hiện có 14 khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam hoạt động rất hiệu quả.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng nói rằng, Singapore mạnh về kinh tế tài chính và số hoá; Việt Nam cần tranh thủ tiềm năng, lợi thế không chỉ của Singapore mà cả công ty của các nước khác đang hoạt động tại Singapore. Đại sứ Dũng cho biết, Việt Nam và Singapore đang bàn bạc để ký hiệp định về tín chỉ carbon. “Singapore rất muốn ký với Việt Nam vì đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tín chỉ carbon”, ông nói.

Điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng Ảnh: Baochinhphu.vn

Singapore cũng đang theo đuổi một dự án lớn để mua 1,2 MW điện gió ngoài khơi Việt Nam. Đây là dự án liên doanh giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với Sembcorp ở Singapore. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long, Việt Nam đã cấp giấy phép khảo sát cho PTSC để khảo sát địa điểm. Tháng 10/2023, Singapore trao cho Sembcorp điều kiện cần để tiến hành thoả thuận, dự kiến triển khai dự án từ 2024-2033, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ USD. “Đây là dự án rất lớn, chi tiết tôi không thể tiết lộ, nhưng phía Singapore rất trông đợi Việt Nam. Bạn bảo tiềm năng cực lớn”, Đại sứ Dũng nói. Theo ông, sau khi hoàn thành, đây sẽ là dự án lớn nhất thế giới về tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, với chiều dài 1.000km; đường cáp ngầm dài nhất thế giới hiện nay là 700km.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng, Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài chính từ các quỹ đầu tư công ở Trung Đông, như ADIA, KIA, PIF, QIA… vì họ đang có kế hoạch đa dạng hóa địa điểm đầu tư, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ mà còn dần mở rộng ra khu vực khác, trong đó có châu Á. Các quỹ này đang có xu hướng đa dạng hoá danh mục đầu tư, không chỉ tập trung vào lĩnh vực truyền thống như trái phiếu, bất động sản… mà còn hướng tới công nghệ mới, AI, công nghệ sinh học, fintech và blockchain.

Sigapore cũng có nhiều kinh nghiệm về logistics. Hiện có một dự án trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn YCH hợp tác với T&T ở Vĩnh Phúc, đã xong giai đoạn 1. Đại sứ Dũng cho biết, Singapore muốn làm một dự án tương tự ở Vĩnh Long vì nhìn thấy tiềm năng logistics ở Việt Nam cực kỳ lớn. Biết Việt Nam có kế hoạch làm dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tập đoàn cảng biển Singapore PSA muốn hợp tác với phía Việt Nam. “Họ bảo khi vận chuyển hàng hoá sẽ cần rất nhiều kho logistics, và rất muốn xây kho logistics dọc theo tuyến đường sắt này”, ông chia sẻ.

Vietcham đầu tiên

Các doanh nghiệp người Việt tại Thái Lan, đặc biệt là Hội Doanh nhân Thái-Việt, đã tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp người Việt tại Lào và Thái Lan, sau đó tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Thái Lan. Tháng 11/2023, lần đầu tiên Diễn đàn doanh nghiệp người Việt tại 5 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar được tổ chức.

“Hy vọng diễn đàn này sẽ được tổ chức hằng năm, tạo nền tảng tốt để các doanh nghiệp người Việt liên kết với nhau, xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam ở các nước trong tiểu vùng Mekong và liên kết để hỗ trợ nhau trong việc làm ăn kinh doanh”, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nói. Ông cho biết, hai năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cùng các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư, kinh doanh tại Thái Lan thành lập Phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, cũng là Phòng Thương mại Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên trên thế giới, lấy tên là Vietcham. Vietcham được cấp phép vào tháng 10/2023 và ra mắt dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhân dịp chuyến thăm chính thức tới Thái Lan vào đầu tháng 12/2023.

Đại sứ Thành cho biết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhất trí sẽ xây dựng một đề án để trình Chính phủ về phát triển mạng lưới Vietcham trên thế giới, trên cơ sở thành công của mô hình Vietcham Thái Lan.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nhung-ke-hoach-ty-do-tu-ngoai-giao-kinh-te-a89734.html