Tp.HCM: Nguy hại sức khỏe, môi trường khi lạm dụng khai thác nước ngầm

Tp.HCM đang vận động người dân giảm khai thác nguồn nước sinh hoạt dưới lòng đất nhằm hạn chế tình trạng sụt lún đất và ô nhiễm nguồn nước.

Ngập lún và ảnh hưởng sức khỏe

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, công tác giám sát chất lượng nước sinh hoạt được thành phố thực hiện định kỳ, lấy 2 mẫu/tháng tại mỗi quận, huyện và Tp.Thủ Đức.

Chất lượng nước được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong Thông tư số 41/2018/TT-BYT, xét theo 2 tiêu chuẩn chính về hóa lý và vi sinh.

Theo báo cáo của HCDC, trong năm 2021, cơ quan này đã kiểm tra 160 mẫu nước giếng khoan toàn thành phố. Tuy nhiên, 98% mẫu được lấy đều không đạt chỉ tiêu về độ pH và Clo dư (2 chỉ tiêu đánh giá cơ bản nhất của tiêu chuẩn hóa lý trong nước sinh hoạt). Thêm đó, 15% mẫu không đạt về tiêu chuẩn vi sinh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, HCDC lấy 120 mẫu nước để giám sát thì hầu hết không đạt các chỉ tiêu trên. Do đó, có cơ sở để đánh giá, nguồn nước khai thác dưới đất ở thành phố hiện nay chưa đạt chỉ tiêu an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Bà Nga chỉ ra: “Nếu không đạt chuẩn về lượng Clo dư trong nước thì người sử dụng thường xuyên sẽ có nguy cơ bị các bệnh lây nhiễm, bệnh đường ruột. Vì thế, HCDC khuyến cáo người dân thay đổi thói quen sử dụng nước máy thay vì nước dưới đất”.

Kết quả khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố hồi cuối quý III/2022 về sụt lún nền sau quá trình thực địa và thu thập thông tin, phỏng vấn các đối tác tham gia quản lý, nghiên cứu về sụt lún nền đưa ra kết luận, nền đất tại Tp.Hồ Chí Minh bị sụt lún trung bình khoảng 2 cm mỗi năm, có nơi đến 6 cm, và đô thị 10 triệu dân đối mặt tình trạng ngập lụt thường xuyên hơn.

Về mặt khoa học, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia Tp.HCM cho hay, lún đất diện rộng là một trong những yếu tố gây ngập ở Tp.HCM. Lún đất diện rộng ở Tp.HCM có thể lên đến 2,5 cm/năm, cao gấp 3-5 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS), độ lún tích lũy từ 2005 đến 2017 của Tp.HCM là 23 cm, nơi nhiều nhất lún 81 cm (phường An Lạc, quận Bình Tân); độ lún bình quân hàng năm là 2 cm, có nơi 6 cm.

Danh sách 10 địa phương lún nhiều nhất là quận 7, quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Bình Tân và Tp.Thủ Đức (khu vực quận 2 và quận Thủ Đức cũ). Đặc biệt, quận 12 và quận Bình Tân có mức độ sụt lún nền lớn nhất.

Từng bước xóa khai thác nước ngầm

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan trên địa bàn đến năm 2025, nhằm hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất; đồng thời yêu cầu đơn vị cấp nước ngừng khai thác nước ngầm ở nơi đã có mạng cấp nước cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Đến tháng 9/2022, sau hơn 4 năm thực hiện nhiều giải pháp, Tp.HCM đã giảm khối lượng sử dụng nước dưới đất từ 716.581 m3/ngày xuống còn 264.581 m3/ngày, đạt tỉ lệ 73,3% so với kế hoạch.

Lượng nước ngầm ở Tp.HCM chủ yếu gồm 4 nhóm đối tượng sử dụng. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất ở các hộ gia đình ước giảm 235.703 m3/ngày (đạt tỉ lệ 71,9% so với kế hoạch); các doanh nghiệp bên trong khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805 m3/ngày (đạt tỉ lệ 57,4%); các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 145.220 m3/ngày (đạt tỉ lệ 104,8 %) và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giảm 42.272 m3/ngày đêm (đạt tỉ lệ 42,3 %).

Riêng đối với nhóm sử dụng nước dưới đất là hộ gia đình, Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM phối hợp UBND các quận, huyện, Tp.Thủ Đức và Sawaco, Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đã khảo sát và lắp đặt đồng hồ nước sạch cho các hộ, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục thay vì nước giếng.

Ngoài ra, Sở này chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt đối với những khu vực chưa đưa được nguồn nước mặt từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai về hệ thống xử lý nước sạch.

Thống kê năm 2017 cho thấy, Tp.HCM có 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày. Ngoài ra, khoảng 990.000 giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tphcm-nguy-hai-suc-khoe-moi-truong-khi-lam-dung-khai-thac-nuoc-ngam-a8965.html