Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 38.000 tấn cà phê, tương đương 92,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cà phê giai đoạn 1/9 – 15/9 giảm 25% về lượng và giảm 10% về giá trị. Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu năm đến 15/9, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 12% về lượng và tăng 38% về giá trị.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức 2.365 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ 18/9 đến nay, giá cà phê trong nước đi ngang. Theo nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nguyên nhân là do nhiều địa phương trong nước chưa đến vụ mới, tồn kho ít. Trước đó, giá cà phê thu mua trong nước và xuất khẩu liên tục tăng mạnh, có thời điểm tiến sát tới mức kỷ lục 50.000 đồng/kg. Điều này thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng cao.
Theo MXV, ngày 21/9, giá thua mua cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ ổn định, dao động khoảng 46.900 - 47.500 đồng/kg.
Trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Arabica tiếp tục phiên tăng gần 2% từ đầu tuần sau khi Cơ quan Cung ứng mùa vụ của chính phủ Brazil (Conab) cắt giảm sản lượng cà phê tại Brazil.
Trước đó, tối 20/9, Conab đã công bố kết quả cuộc khảo sát lần thứ ba về sản lượng cà phê tại Brazil. Theo số liệu báo cáo, Conab đã giảm lượng cà phê dự kiến của nước xuất khẩu số một thế giới từ 53,43 triệu/bao loại 60kg trong tháng 5 xuống còn 50,38 triệu bao trong tháng 9.
Lượng cà phê Arabica cũng giảm 3,3 triệu bao so với báo cáo trước và 3,1% so với niên vụ trước. Điều này dấy lên tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sàn ICE đang giảm sâu và về mức thấp nhất trong hơn 23 năm. Đồng Real tiếp tục tăng giá trong phiên 20/9 khiến lực bán của nông dân Brazil suy yếu, giá bán tăng. Kết phiên, giá Arabica tăng gần 2% và Robusta tăng 1,54%.
Giá dầu cọ tăng 1%. Ấn Độ dự kiến có thể nhập khẩu đến 2 triệu tấn dầu cọ từ Indonesia trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, cho thấy triển vọng về cầu của mặt hàng này trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ giá. Tuy nhiên, các số liệu về nguồn cung dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 9 tại Malaysia đang cho thấy sự nới lỏng, có thể sẽ khiến sự khởi sắc của giá dầu cọ khó giữ được trong trung và dài hạn.
Ở chiều ngược lại, giá bông giảm gần 3%. USD tăng trở lại và neo ở mức cao trong vòng 20 năm trở lại đây, khiến bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua của mặt hàng này. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết khô ráo, thuận lợi cho việc thu hoạch dự kiến sẽ giúp nguồn cung bông từ Mỹ được đảm bảo, cũng là yếu tố gây áp lực lên giá trong phiên hôm qua.