Từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, nhập khẩu các sản phẩm kim loại cơ bản từ Nga là nhôm và niken của Mỹ đã tăng tới 70%, theo dữ liệu thương mại chính thức do Reuters tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Liên Hợp Quốc Comtrade. Trong khi đó, EU cũng nhập trong cùng thời gian đó tăng 22%.
Tổng giá trị nhập khẩu 2 kim loại này của EU và Mỹ từ tháng 3 đến tháng 6 là 1,98 tỉ USD.
Các nhà phân tích cho biết, Mỹ và Châu Âu đã rút ra bài học sau đợt gián đoạn lớn trong lĩnh vực xây dựng, ôtô và năng lượng do các lệnh trừng phạt mà cựu Tổng thống Donald Trump áp với nhôm của Nga năm 2018. Lệnh trừng phạt sau đó được dỡ bỏ năm 2019.
Giá nhôm và niken tăng lên mức cao kỷ lục ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2 năm nay do lo ngại lệnh trừng phạt hoặc khó khăn trong logistic có thể chặn việc vận chuyển. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, xuất khẩu mặt hàng này của Nga trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay tương đối mạnh.
Diễn biến giá niken trong 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)
Nga chiếm khoảng 10% sản lượng niken toàn cầu, là nhà cung cấp kim loại có uy tín trên thị trường. Trong đó, Nornickel là nhà đầu tư của ngành công nghiệp khai thác mỏ và kim loại Nga, một trong những nhà sản xuất niken và paladi lớn nhất thế giới.
Không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, kể từ tháng 3, các quốc gia phương Tây tiếp tục nhập khẩu niken của Nga.
Động thái tăng nhập khẩu kim loại có nguồn gốc từ Nga cho thấy 2 điều. Thứ nhất, giá thành hợp lý có thể làm tăng sức hấp dẫn của niken Nga, do hệ quả của xung đột Nga-Ukraine giá tất cả các mặt hàng đều tăng vọt. Thứ hai, những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung khiến giá kim loại cơ bản tăng vào đầu tháng 3 được chứng minh là quá lời.
Trong 4 tháng sau khi Nga có động thái quân sự ở Ukraina, EU là nơi nhập khẩu nhôm chưa gia công lớn nhất từ Nga, đạt trung bình 78.207 tấn một tháng trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, nhiều hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rotterdam - cảng lớn nhất Châu Âu - thông tin, tổng khối lượng hàng hóa tăng 0,8% trong nửa đầu năm 2022, nhưng "hàng rời" (hàng hóa không vừa container) tăng mạnh 17,7%, do nhập khẩu kim loại cao hơn.
Phát ngôn viên của cảng chia sẻ với Reuters rằng, những lô nhôm và niken vẫn cập cảng vì mặt hàng này không bị xử phạt. Dù vậy, đại diện cảng Rotterdam từ chối cung cấp số liệu về những mặt hàng này.
Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum, cho hay: "Với người Mỹ, điều rất quan trọng là phải có được càng nhiều nguồn nhôm khác nhau càng tốt. Họ rất miễn cưỡng mua bất kỳ kim loại nào từ Trung Quốc, nơi xuất khẩu đang giảm. Vì vậy, nhôm Rusal của Nga rất quan trọng, đó là lý do họ không đóng cửa giao thương mặt hàng này".
Những cơn sốt giá có thể sẽ không kéo dài
Dự kiến vào mùa hợp đồng năm 2023, các nhà sản xuất phương Tây có thể bắt đầu cắt giảm nguồn cung niken Nga.
Theo Paul Warton, Phó chủ tịch điều hành mảng kinh doanh sản phẩm nhôm ép đùn của Norsk Hydro, "chúng tôi chắc chắn sẽ không mua hàng của Nga vào năm 2023".
Cụ thể, công ty đi đầu về sản xuất nhôm Novelis (Mỹ) cũng đã bắt đầu tránh xa nguyên liệu của Nga để cung cấp cho các nhà máy của mình trong năm tới. Trên thực tế, các cuộc đàm phán ban đầu với doanh nghiệp Nornickel (Nga) cho thấy rằng người mua châu Âu đang muốn giảm phần lớn nhu cầu mua.
Châu Á có thể là điểm đến mới của kim loại Nga (Ảnh: Unsplash)
Theo nhiều nhà phân tích, những thay đổi về nguồn cung ứng này có thể khiến kim loại của Nga tràn sang thị trường châu Á hoặc bất cứ nơi nào khác sẵn sàng nhập khẩu chúng.
"Tôi không biết hiện tại nguồn gốc nguyên liệu sẽ chảy về đâu – có thể vào châu Á, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực khác vốn không có lập trường cứng rắn đối với nguyên liệu của Nga", ông Warton nói thêm.
Với tình hình này có thể khiến tăng giá kim loại có nguồn gốc ở khu vực khác. Tất nhiên, không phải tất cả các công ty sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn này đối với nguyên liệu Nga. Tóm lại, khó có thể loại bỏ niken của Nga khỏi thị trường kim loại toàn cầu.
Tham khảo: Oilprice