Thắp nên hy vọng cho các cặp quân nhân hiếm muộn
Ngày 15/12, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội tổ chức lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 cặp quân nhân hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn năm 2023.
Đại tá Hoàng Gia Khánh - Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chia sẻ theo thống kê, có khoảng hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo ông Khánh, với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo…, đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà.
Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng không có được niềm vui trọn vẹn ấy, nhiều cặp đôi không có đủ kinh tế để theo đuổi đến cùng hành trình ấy. “Sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ thắp nên hy vọng cho các cặp vợ chồng là quân nhân hiếm muộn", ông Khánh chia sẻ.
BS.Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, do đặc thù công việc mà nhiều cặp vợ chồng quân nhân chưa thể có con, có con muộn.
Mong muốn chia sẻ với các gia đình trong hành trình tìm con, bắt đầu từ năm 2021, bệnh viện tổ chức chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - yêu thương lan tỏa". “Đến nay, chương trình đã đón 17 em bé chào đời", bà Hiền nói.
"Quả ngọt" sau hành trình dài tìm kiếm con yêu
Được nhận hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) năm 2021, gia đình Thiếu tá Hoàng Văn Dũng (công tác tại Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải Quân) và chị Nguyễn Thị Yến vừa hạnh phúc đón đứa con đầu lòng sau 10 năm mong mỏi.
Theo lời chia sẻ của chị Yến, vợ chồng chị kết hôn cuối năm 2013, sau lễ cưới, chồng chị nhận lệnh vào Khánh Hòa đóng quân làm nhiệm vụ, chị Yến ở lại quê nhà. Với khát khao làm mẹ, chị Yến đã bỏ công việc là giáo viên mầm non, theo chồng vào Khánh Hòa.
Thế nhưng, tin vui mãi chưa đến với cặp vợ chồng trẻ. Sau 3 năm kết hôn, cả hai mới có điều kiện đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc một bên vòi trứng nên việc có con khó khăn hơn. Cả hai vợ chồng làm thụ tinh nhân tạo 4 lần nhưng đều thất bại, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ.
Đến năm 2018, chồng chị Yến lại chuyển công tác về Hải Phòng. Hai vợ chồng tính toán sẽ vay mượn để tiếp tục hành trình tìm con. May mắn cặp vợ chồng đã nhận được sự hỗ trợ thụ tinh nhân tạo miễn phí.
Giờ đây, khi bế con chưa tròn 1 tuổi trên tay, vợ chồng chị Yến vẫn không thể tin được hành trình 10 năm đã hái được “quả ngọt”.
Hay như câu chuyện của Trung úy Phan Tuấn Anh (công tác tại Cục Quân Khí Tổng cục Kỹ thuật) và vợ là chị Đỗ Thị Lan (Hòa Bình) cũng đón được con yêu sau 5 năm kết hôn nhờ được hỗ trợ chi phí thực hiện IVF năm 2022 cũng đã tiếp tục thắp lên hy vọng cho các cặp đôi.
Kết hôn năm 2018, do bận công việc sau 2 năm chưa thấy tin vui, vợ chồng anh Tuấn Anh và chị Lan mới có điều kiện đi thăm khám sức khỏe sinh sản.
Khi đó, kết quả xét nghiệm cho thấy anh Tuấn Anh gặp một số vấn đề về chất lượng tinh trùng dẫn đến khó có thai tự nhiên.
Được bác sĩ tư vấn về các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, vợ chồng trẻ chưa có tài sản tích lũy cùng đồng lương ít ỏi nên anh chị không dám nghĩ đến việc thực hiện IVF với số tiền lớn.
Hai vợ chồng quay về cuộc sống thường nhật, tìm cơ hội có con qua những bài thuốc dân gian được anh em bạn bè giới thiệu.
Tháng 5/2022, biết đến chương trình hỗ trợ miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm dành cho quân nhân, vợ chồng Trung úy Phan Tuấn Anh đã nộp hồ sơ và may mắn được nhận gói hỗ trợ này.
Vậy là giấc mơ con yêu thêm phần hy vọng, anh chị vội vàng xuống viện thăm khám và bắt đầu hành trình tìm con. Hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Lan đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên, hành trình thai kỳ của chị cũng diễn ra suôn sẻ, đợi con đủ ngày đủ tháng chào đời mà không gặp phải những cơn ốm nghén.
Vào ngày 12/11/2023, một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu của vợ chồng anh Tuấn Anh, chị Lan đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và ông bà nội ngoại hai bên.
Có mặt tại buổi lễ, các gia đình nhận hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí đã chia sẻ hoàn cảnh của mình. Mỗi gia đình câu chuyện, dù khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn mà kinh tế là rào cản lớn và sự hỗ trợ của Bệnh viện đã kịp thời tiếp sức cho họ.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/xuc-dong-voi-hanh-trinh-tim-con-cua-cac-cap-vo-chong-quan-nhan-a82361.html