Thường xuyên ăn uống vào ban đêm do tính chất công việc thức khuya làm online với người nước ngoài khiến chị N.T.P (30 tuổi) vừa tăng cân vừa bị đau dạ dày. Chị cho hay dù biết những thói quen không tốt nhưng vì công việc nên cũng khó thay đổi.
Thói quen hại dạ dày
Theo chị P., thói quen này cũng đã kéo dài mấy năm nhưng không có cách nào khác. "Trước đây, tôi cũng từng xuất hiện cơn đau bụng, hay ợ chua, đi khám được bác sĩ chẩn đoán trào ngược dạ dày. Được điều trị ngoại trú, uống thuốc đã thuyên giảm nhưng sau đó không thay đổi được giờ giấc sinh hoạt cũng như thói quen ăn uống nên bệnh cứ tái đi, tái lại" - chị P. cho biết.
Theo các bác sĩ, trong cộng đồng, thói quen sinh hoạt, giờ giấc không ổn định, áp lực công việc khiến cuộc sống căng thẳng, ăn uống thất thường… là nguyên nhân khiến nhiều người mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
TS-BS Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP HCM), cho biết chỉ riêng tại đây, người bệnh đến điều trị các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa chiếm 10% trong tổng số bệnh nhân đến khám, điều trị. Trong đó, nguyên nhân thường gặp do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) và dùng thuốc kháng viêm, giảm đau.
Bệnh lý liên quan dạ dày thường gặp các triệu chứng liên quan đến bữa ăn như nôn, buồn nôn, đầy hơi, đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, ợ nóng, chán ăn. Đáng chú ý, bệnh lý dạ dày có các triệu chứng xuất hiện ở vùng thượng vị, vị trí đau có thể nhầm lẫn các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như: bệnh lý đường mật, túi mật, tụy tạng, hội chứng ruột kích thích, thậm chí có thể gặp trường hợp nhồi máu cơ tim thành dưới...
Hệ tiêu hóa đảm trách vai trò rất lớn trong hệ thống miễn dịch, nếu mắc bệnh sẽ gây ra nhiều rối loạn dinh dưỡng. Trong ảnh: Người bệnh nặng điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Một khảo sát do Khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định thực hiện trên 4.000 người, trong đó hơn 2.000 người có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, cũng cho thấy các nguyên nhân thường gặp như ăn quá no, mặc đồ chật, tâm lý căng thẳng, mất ngủ… Cụ thể, loại thức ăn khiến khởi phát triệu chứng dạ dày thường gặp gồm thức ăn nhiều dầu mỡ (chiếm 71,9%); thức ăn chua, cay (chiếm 64,7%) và trái cây chua (chiếm 36%). Đáng chú ý, trong nhóm đồ uống khiến khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thì nước ngọt có gaz đứng đầu (chiếm 40,3%), sau đó là bia, nước ép cam. Kết quả khảo sát này sẽ là nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu về dự phòng ban đầu và điều trị không thuốc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người Việt Nam.
Theo bác sĩ Công, hiện cuộc sống bận rộn làm nhiều người ăn uống không đúng giờ, đúng bữa, thậm chí bỏ bữa sáng, lạm dụng rượu bia... là những nguyên nhân làm mất cân bằng 2 yếu tố phá hủy và bảo vệ dạ dày. Từ đó, dẫn đến bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, trong đó có bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
"Nếu ăn đêm sau đó nằm ngủ sẽ làm tăng nặng triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Vì nằm sau khi ăn khiến dịch dạ dày trào ngược lên vùng thực quản. Do đó, sau bữa ăn không được nằm ngay và bữa ăn cuối ngày cách giờ đi ngủ từ 2-3 giờ" - bác sĩ Công khuyến cáo.
Ăn uống sao để tránh bệnh tật?
Bác sĩ chuyên khoa I Đoàn Vũ Nam, Khoa Nội tiêu hóa BV Quân y 175 (TP HCM), cho biết thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và kiểm soát tình trạng viêm. Trong đó, trái cây và rau quả tươi là những nguồn cung cấp chất chống ô xy hóa tốt, có thể giúp tránh tổn thương tế bào và bệnh tật bằng cách giảm mức độ của các gốc tự do trong cơ thể.
Các loại thực phẩm có thể giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP và giảm sự hình thành viêm - loét dạ dày như: súp lơ, nghệ có tính kháng khuẩn, chống ô xy hóa, ngừa viêm dạ dày, giảm ung thư dạ dày; bắp cải, củ cải và các loại rau họ cải khác, các loại quả mọng (việt quất, mâm xôi, dâu tây); các loại thực phẩm chứa probiotic (sữa chua) giúp cải thiện các triệu chứng khó tiêu và tác dụng phụ của kháng sinh; chất xơ hòa tan giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh loét dạ dày.
Bên cạnh đó, cần tránh một số thức ăn có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng ở bệnh nhân đau dạ dày như thức ăn cay, rượu bia, các thực phẩm có tính axít, đồ chiên. "Một số loại thức ăn được chứng minh làm tăng khả năng viêm dạ dày nếu tiêu thụ lượng quá nhiều như thịt đỏ, các sản phẩm chế biến sẵn, thức ăn mặn, sấy khô hoặc hun khói..." - bác sĩ Nam nói.
Theo bác sĩ Nam, bên cạnh ăn uống, cũng cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt để phòng ngừa bệnh lý dạ dày như bỏ hút thuốc lá bởi đây là nguyên nhân tăng nguy cơ viêm nhiễm và ung thư miệng, thực quản, dạ dày; cần có lối sống lành mạnh, ăn uống đúng giờ, đúng bữa, tránh thức khuya, hạn chế ăn các đồ cay, chua; giảm căng thẳng vì mức độ căng thẳng cao có thể kích hoạt sản xuất axít dạ dày, từ đó làm trầm trọng thêm các triệu chứng và tình trạng viêm.
"Đặc biệt, hạn chế sử dung nhóm thuốc NSAID (các thuốc giảm đau, chống viêm như aspirin, diclofenac, indomethacin, piroxicam...). Bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm dạ dày" - bác sĩ Nam cảnh báo.
Sứ mệnh của hệ tiêu hóa
Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm - Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy - dinh dưỡng góp phần vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Trong đó, hệ tiêu hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hấp thu dinh dưỡng, đặc biệt điều hòa chuyển hóa cũng như đảm trách vai trò rất lớn trong hệ thống miễn dịch. Với những người bệnh mắc bệnh lý tiêu hóa về nội khoa cũng như ngoại khoa sẽ bị rối loạn dinh dưỡng rất nhiều. Nhiều bệnh nhân vào viện với tình trạng rối loạn tiêu hóa rất trầm trọng, dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng, rối loạn miễn dịch, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị. Ở bệnh nhân nội khoa thì sẽ suy mòn cơ, còn bệnh nhân ngoại khoa sẽ làm chậm quá trình lành vết thương...
N.Thạnh
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/canh-bao-benh-tu-mieng-ma-ra-a81896.html