Đây là lô hàng trong số hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật vừa được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Hàng trăm tấn sầu riêng tươi của Việt Nam lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Sau quá trình chuẩn bị, bước đầu tỉnh Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh); đã thành lập mới 17 hợp tác xã sản xuất sầu riêng, nâng tổng số hợp tác xã của tỉnh lên 415 hợp tác xã, đây là điều kiện quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng quả tươi vào Trung Quốc ngay từ vụ sầu riêng năm 2022 của tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn.
"Việc ký kết này sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc một cách bài bản, theo đường chính ngạch, với khối lượng lớn, và đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà phía Trung Quốc đặt ra", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.