Trúng giá
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4 triệu tấn. Trong đó, có trên 1,5 triệu tấn gạo thơm và khoảng 2 triệu tấn gạo trắng chất lượng cao (OM18, OM5451…) và các giống gạo nếp, gạo lứt, gạo hữu cơ và gạo giống Nhật.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, trong khi Việt Nam bán chủ yếu là gạo dẻo, gạo thơm thì Ấn Độ chủ yếu bán gạo khô cơm (gạo cấp thấp, tương tự giống IR50404 của Việt Nam). Tuy xuất các loại gạo khác nhau nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% cũng góp phần kéo giá gạo Việt Nam sôi động lên.
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An cho biết, việc Ấn Độ ban hành chính sách mới như trên là nhằm ứng phó với những rủi ro về an ninh lương thực do hạn hán xảy ra ở quốc gia này. Chưa biết Ấn Độ sẽ kéo dài chính sách này trong bao lâu, nhưng rõ ràng động thái này đã khiến gạo Ấn Độ rất khó cạnh tranh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng cho biết, việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm đang khiến thị trường gạo trên thế giới biến động mạnh.
Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng (tăng khoảng hơn 30 USD/tấn so với đầu tháng 9). “Doanh nghiệp Việt Nam rất phấn khởi vì hợp đồng xuất khẩu được giá. Mấy ngày gần đây, giá thu mua của doanh nghiệp cũng tăng dần”, ông Nguyễn Văn Đôn nói.
"Mới đây, Việt Nam và Thái Lan đã cùng nhau thảo luận giải pháp để nâng giá gạo, giúp người nông dân có được lợi nhuận. Do đó, động thái áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu của Ấn Độ mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam, Thái Lan. Trong thời gian tới, giá gạo có thể tăng thêm"
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam
Theo ông Đôn, trong vụ Hè Thu vừa qua, doanh nghiệp tăng mua lượng lúa gạo dự trữ nên đây là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều đối tác nước ngoài cũng chuyển hướng sang thị trường Việt Nam, Thái Lan…mua để thay thế lượng gạo Ấn Độ hạn chế xuất. Thế nên, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tìm kiếm được nhiều đơn hàng. Ông Đôn dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường gạo trên thế giới có thể còn tăng thêm chút nữa.
Theo ghi nhận, ngày 15/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD so tuần trước. Đây là mức tăng đầy ấn tượng sau hơn 1 tháng, giá gạo Việt Nam tuột dốc liên tục. Thực tế này đã đẩy giá lúa gạo trong nước tăng theo, giúp người dân “trúng giá” khi vừa thu hoạch xong vụ Hè Thu.
Theo các doanh nghiệp, giá gạo thời gian tới có thể tiếp tục tăng
Theo ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Cty TNHH Vinh Hiển, hiện tại, giá lúa doanh nghiệp thu mua từ nông dân và các hợp tác xã cao nhất trong 10 năm trở lại đây. So với năm trước, giá các loại lúa hiện tại đã cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg.
“Giá lúa gạo tăng do thị trường xuất khẩu khởi sắc, tiêu thụ nội địa cũng tăng nên nông dân phấn khởi đẩy mạnh trồng những giống lúa cao sản. Trong vụ Đông Xuân sắp tới, công ty liên kết thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 400ha, chủ yếu sản xuất các giống lúa như ST24, Nàng hoa 9, VD20. Hiện tại, công ty nhận được sự hợp tác tích cực từ người dân”, ông Huỳnh Văn Danh chia sẻ.
Cơ hội đạt 3,3 tỷ USD trong tầm tay
Theo các doanh nghiệp, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo là thông tin bất ngờ mở ra cơ hội cho các nước “đối thủ” cùng xuất khẩu gạo, vì cách đây không lâu, nước này khẳng định, với lượng dự trữ dồi dào, Ấn Độ không có kế hoạch siết chặt việc xuất khẩu gạo.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, từ trước đến nay, lượng gạo Ấn Độ xuất khẩu ra thế giới lớn hơn cả lượng gạo từ những nước đang xuất khẩu nhiều như Việt Nam, Thái Lan cộng lại. Do đó, sự giảm sút số lượng gạo xuất khẩu từ quốc gia này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực trên thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo ông Bình, dù Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo đang đẩy giá mặt hàng này trên thế giới tăng mạnh, song xét từ thực tế những đơn hàng, Việt Nam có thể sẽ không được hưởng lợi nhiều. Lý do là thị trường gạo của Ấn Độ chủ yếu ở châu Phi, trong khi chi phí vận chuyển từ Việt Nam đi các thị trường này đang rất cao. “Hiện tại, các doanh nghiệp cũng chưa vội vàng ký hợp đồng mới, vì đang nghe ngóng thêm tình hình”, ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, lâu nay, gạo Việt Nam luôn bị cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan đặc biệt là về giá. Trước đây, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 8 - 9 triệu tấn gạo/năm nhưng trong vài năm trở lại đây, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên gấp đôi và đạt mức hơn 21 triệu tấn vào năm 2021. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu trên thị trường bị giảm.