Theo thông tin từ Bloomberg, Tesla đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở tinh chế Lithium (kim loại thường được ví là "vàng trắng" do vai trò hết sức quan trọng với xe điện và kế hoạch điện hóa giao thông tại nhiều quốc gia) tại vùng duyên hải Texas, Mỹ.
Cụ thể, Tesla đã trao đổi với chính quyền bang Texas rằng họ đang cân nhắc việc xây dựng một "cơ sở tinh chế Lithium Hydroxide (LiOH) dành cho xe điện" tại hạt Nueces, bang Texas, Mỹ. Trong văn bản xin miễn giảm thuế mà Tesla nộp lên, hãng xe điện Mỹ cho rằng cơ sở này khi được xây dựng sẽ là "cơ sở đầu tiên tại Bắc Mỹ".
Tesla đang cân nhắc việc xây dựng một cơ sở tinh chế Lithium làm pin xe điện.
Lithium Hydroxide được sử dụng để làm điện cực trên pin xe điện.
Về cơ sở tinh chế Lithium mà Tesla đang lên kế hoạch, hãng xe điện nói rằng cơ sở này sẽ xử lý "quặng thô thành sản phẩm dùng cho sản xuất pin", và thành quả tinh chế (Lithium Hydroxide) sẽ "được đóng hàng và vận chuyển bằng xe tải và đường sắt đến các cơ sở sản xuất pin của Tesla, tham gia vào chuỗi cung ứng hết sức quan trọng [cho việc sản xuất] pin xe điện quy mô lớn".
Tesla cũng cho rằng cơ sở tinh chế Lithium này sẽ áp dụng quy trình sản xuất mà họ mô tả là "đổi mới, được thiết kế để sử dụng ít hóa chất độc hại, và tạo ra chế phẩm phụ có ích, khác so với quy trình thông thường".
Việc xây dựng có thể bắt đầu sớm nhất ngay trong Quý IV/2022, nhưng phải mãi tới Quý IV/2024 thì mới đi tới giai đoạn sản xuất thương mại. Trong trao đổi với chính quyền bang Texas, Tesla đề nghị cơ sở tinh chế Lithium của hãng có thể đặt ở "bất cứ đâu ở thuận tiện vận chuyển hàng tại vùng duyên hải Texas". Song song, Tesla cũng đang cân nhắc địa điểm tại bang Louisiana, Mỹ.
Quy trình tinh chế Tesla áp dụng được cho là sử dụng ít hóa chất độc hại.
Elon Musk, Giám đốc Điều hành Tesla, đã dành nhiều thời gian trong suốt năm 2021 để thúc đẩy việc khai thác Lithium tại khu vực Bắc Mỹ. Ông thường so sánh biên lợi nhuận của lĩnh vực này với biên lợi nhuận béo bở của phát triển phần mềm.
Elon Musk phát biểu trong một cuộc hội đàm giữa các CEO của các công ty: "Một lần nữa, tôi kêu gọi các doanh nghiệp hãy tham gia vào tinh chế Lithium. Khai thác Lithium tương đối dễ, nhưng tinh chế thì khó hơn rất nhiều. Bạn không thể thua được, đó là giấy phép in tiền".
Trước đây, Tesla cũng đã từng xin giấy phép để xây dựng một cơ sở tinh chế Lithium tương tự như kế hoạch trên tại nhà máy của hãng ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, nhưng kết quả vẫn cần được làm rõ.
Elon Musk ví tinh chế Lithium với "giấy phép in tiền".
Trên thực tế, các dự án tương tự kế hoạch của Elon Musk cũng đang được triển khai tại các quốc gia khác, như ở Đức, Úc - cơ sở tinh chế đã đi vào hoạt động trong năm nay.
Trên thế giới, Trung Quốc hiện vẫn đang ở vị thế cao trong việc tinh chế Lithium, năng lực tinh chế quặng thô chiếm quá bán toàn thế giới. Trung Quốc có thể tinh chế Lithium từ quặng hoặc từ dung dịch muối thành các hóa chất chuyên làm pin xe điện.
Theo số liệu từ báo cáo về năng lượng toàn cầu của công ty dầu khí BP, cả thế giới đã sản xuất được khoảng 86.300 tấn Lithium trong năm 2020, trong đó Trung Quốc đóng góp 14.000 tấn, Chile là 20.600 tấn, và Úc đạt 40.000 tấn; tổng sản lượng cả ba quốc gia này chiếm hơn 86% sản lượng toàn thế giới.
Ngược lại, Mỹ dù là quốc gia có trữ lượng Lithium đứng thứ 5 thế giới, nhưng trong năm 2020 chỉ đóng góp khoảng 900 tấn Lithium, tương đương 0,1%. Lý do là bởi Mỹ hiện chỉ có duy nhất một mỏ Lithium đang hoạt động tại bang Nevada, Mỹ. Các hoạt động thăm dò mỏ Lithium khác tại nước Mỹ đang bị người dân phản đối do lo ngại tác động xấu đến môi trường.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/elon-musk-thuc-giuc-tinh-che-mot-thu-cho-xe-dien-do-la-giay-phep-in-tien-a7980.html