Hiện gạo tại Ấn Độ được chia ra làm 3 nhóm: tấm, Basmati và các loại khác. Ấn Độ hiện đang cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là loại gạo chất lượng thấp, thường được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các loại gạo khác có gạo trắng và gạo lứt sẽ bị áp mức thuế suất 20%. Chỉ riêng gạo Basmati là không chịu ảnh hưởng gì. Nguyên nhân chính là do Ấn Độ đang lo ngại về nguồn cung bị suy giảm và lạm phát gia tăng.
Hồi tháng 3 và tháng 4, nhiều khu vực tại Ấn Độ đã phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng hơn 100 năm qua. Các bang nông nghiệp chủ chốt như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Bihar đã chứng kiến diện tích trồng lúa sụt giảm mạnh 13%, từ mức 26,7 triệu hecta hồi năm ngoái, xuống còn hơn 23,1 triệu hecta.
Diện tích trồng lúa bị thu hẹp, đồng nghĩa sản lượng thu hoạch trong năm nay giảm xuống. Do vậy mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Chính phủ Ấn Độ là đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước, trước khi lo đến bát cơm của những người khác.
Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ ảnh hưởng thế nào đến các nước?
Ước tính, các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo vừa qua sẽ tác động tới khoảng một nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21 triệu tấn gạo. Trong đó, gạo Basmati, vốn là niềm tự hào của nước này, chiếm khoảng 4 triệu tấn. 17 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại là các loại không phải Basmati.
Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ vừa qua không bao gồm gạo Basmati và trong các loại gạo ngoài Basmati cũng miễn trừ cho loại gạo đồ, tên thường dùng trong giao dịch thương mại là gạo Parboiled. Ước tính, các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo vừa qua sẽ tác động tới khoảng một nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, 21 triệu tấn gạo Ấn Độ xuất khẩu trong năm vừa qua cũng bằng tổng lượng của 3 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp sau là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại. Như vậy, nó chắc chắn sẽ tác động tới thị trường gạo thế giới.
Theo tính toán, giá gạo của không phải Basmati của Ấn Độ, như là gạo trắng 5% tấm sẽ tăng khoảng 20%. Các thị trường nhập khẩu truyền thống của Ấn Độ như tại Vùng Vịnh cho biết họ sẽ tìm các nguồn cung từ Pakistan và Việt Nam để thay thế nếu gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ khan hiếm.
Dù vậy, vừa qua Pakistan cũng chịu lũ lụt, mất mùa, nên Việt Nam đang nổi lên như một trong các nguồn gạo thay thế tiềm năng. Tuy nhiên cần lưu ý, theo tính toán của Ấn Độ, ngay cả khi áp 20% lên gạo xuất khẩu của họ cũng không phải làm giá gạo của Ấn Độ quá mất tính cạnh tranh. Bởi gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ hiện có giá khoảng 340 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng chủng loại của của Việt Nam cũng ở khoảng 395 USD/tấn. Còn gạo của Thái Lan là 430 USD/tấn.
Theo cập nhật, việc vận chuyển gạo đã tạm dừng tại các cảng của Ấn Độ và gần 1 triệu tấn gạo bị mắc kẹt do người mua từ chối trả thêm mức thuế xuất khẩu 20% mới của Chính phủ Ấn Độ. Lý do của họ là trong hợp đồng không có điều khoản như vậy và việc trả thêm tiền cho một hợp đồng đã thỏa thuận xong là vô lý. Các tính toán cho thấy, gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay nhiều khả năng sẽ sụt giảm ít nhất 1/4 vì bước đi này.
Hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ kéo dài bao lâu?
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ áp thuế với sản phẩm nông nghiệp. Trước đó, vào tháng 5, lúa mì và đường đã nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu, do lo ngại nắng nóng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất khắp cả nước.
Ấn Độ có 2 vụ mùa nông nghiệp chính là vụ Thu từ tháng 7 đến tháng 10 và vụ Xuân từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Trong đó vụ Thu, từ tháng 7 đến tháng 10 chiếm tới 80% tổng sản lượng gạo hàng năm của Ấn Độ.
Các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được cho sẽ khó có thể sớm được dỡ bỏ, thậm chí cho tới vụ Thu năm tới. Bởi Ấn Độ là quốc gia 1,4 tỷ dân, an ninh lương thực không bao giờ là bài toán dễ dàng với quốc gia này.
Trong khi trước đó, sản lượng lúa mì tại Ấn Độ cũng đã xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm do hạn hán, mất mùa. Sản lượng gạo vụ mùa vừa qua được cho là vẫn đủ cho nhu cầu trong nước, nhưng bị tụt giảm khoảng 10 - 12 triệu tấn so với vụ mùa trước.
Theo Bloomberg, trong khi giá lúa mì và ngô trên thị trường thế giới đã tăng mạnh kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát, giá gạo lại không bị ảnh hưởng nhiều, nhờ lượng dự trữ dồi dào. Tuy nhiên, tình hình sẽ sớm thay đổi sau động thái của New Delhi.
Trong quá khứ, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng lên mức đỉnh mới, hơn 1.000 USD/tấn. Ước tính, giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt mức 400 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn hiện nay, theo các chuyên gia của Ấn Độ.
Động thái này của Ấn Độ chắc chắn sẽ có tác động với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Doanh nghiệp gạo kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu từ nay cuối năm
Hiện trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm ở mức 400 USD/tấn. Trong khi gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
Từ 1 tuần nay, nhiều thương nhân Trung Quốc hỏi mua gạo tấm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Mặc dù chuyên cung cấp gạo trắng thơm, nhưng theo đại diện doanh nghiệp cũng là tín hiệu tích cực nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đón nhận.
Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Do thiếu hụt nguồn cung từ phía Ấn Độ, nên nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển hướng tìm nguồn cung gạo tấm của Việt Nam để phục vụ nhu cầu từ nay đến Tết.
"Để đáp ứng cho các khách hàng, hiện Việt Nam không tồn hàng nhiều nên tùy theo tình hình, giá cả buôn bán để đàm phán chứ không phải khách hàng đến Việt Nam nhiều mà chúng ta bán ồ ạt. Đây cũng là một trong các vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xem xét vấn đề này", ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, chia sẻ.
Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo tấm và gạo dài không thơm sang các thị trường châu Phi và Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội tìm kiếm thêm được khách hàng mới. Vì từ trước tới nay, gạo của Ấn Độ đang khá cạnh tranh với gạo của Việt Nam ở phân khúc thị trường này.
Thậm chí, trước diễn biến mới, nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.