Chủ xe Mitsubishi Triton: ‘Mỗi tháng chạy 6.000km, đua giải, chở hàng hay cho vợ con đi chơi đều ổn’

Anh Hùng cho rằng Triton là một chiếc xe an toàn trong nhiều điều kiện vận hành nhưng vẫn nên bổ sung một số tính năng hỗ trợ lái hiện đại như trên đối thủ.

Vũ Mạnh Hùng (Quảng Ninh) là một thành viên rất năng nổ trong ban tổ chức giải đua xe địa hình Vietnam Offroad Cup (VOC) 2023 và giải The Best Triton 2023 của Triton Vietnam Club (TVC). Nhìn chiếc Mitsubishi Triton Athlete độ hầm hố của Hùng có thể thấy độ “máu lửa” của anh trong bộ môn lái xe địa hình này.

Rời giải thi đấu, về với cuộc sống bình thường, Hùng là một chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam. Chiếc bán tải được sử dụng với mục đích phục vụ công việc và gia đình.

Chào Hùng. Cơ duyên nào đưa anh tới bộ môn lái xe địa hình này?

Thực ra mình chỉ là một thành viên mới trong bộ môn thi đấu địa hình thôi. Mình tham gia dưới tư cách là thành viên ban tổ chức chứ không phải vận động viên. Tuy nhiên, bản thân mình cũng rất thích bộ môn này.

Mặc dù không trực tiếp tham gia thi đấu nhưng dưới cương vị là thành viên ban tổ chức, hẳn anh đã rất am hiểu về bộ môn off-road. Chiếc Triton độ của anh cũng cho thấy độ “máu lửa” ở bộ môn này. Vậy anh đánh giá thế nào về chiếc xe của mình khi đưa vào thi đấu địa hình?

Năm nay, câu lạc bộ TVC có đưa vài xe tham gia VOC 2023. Kết quả là 2 xe giành chiến thắng. Một xe giải nhất, còn một xe giải ba. Đó là điều minh chứng cho việc Triton là xe có thế mạnh về off-road trên các cung đường xấu.

Xe Mitsubishi nói chung và Triton nói riêng đều có một điểm mạnh riêng, và có lẽ là điểm mạnh nhất trong phân khúc, đó là hệ dẫn động. Xe có hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian và có tính năng khoá vi sai trung tâm ở chế độ 2 cầu nhanh (4HLc) và 2 cầu chậm (4LLc).

Trọng lượng nhẹ cũng là một điểm mạnh của Triton. Xác xe nhẹ, cộng với động cơ MIVEC 2.4L có độ trễ thấp giúp đạp ga thoát hơn, dễ dàng thoát khỏi các cung đường xấu với bùn lầy một cách nhẹ nhàng.

Thứ hai là bán tải sử dụng nhíp nên xóc hơn. Nhiều người đi bán tải chọn nâng cấp hệ thống treo của xe để khắc phục nhược điểm này. Lại so sánh với cùng phân khúc thì nhíp của Triton mềm hơn. Điểm yếu là khả năng tải hàng kém hơn, còn điểm mạnh là đi gia đình dễ chịu hơn. Mình vẫn đang cân nhắc thay bộ phuộc mới.

Tại sao anh vẫn chọn sử dụng bán tải cho công việc và gia đình dù biết nhược điểm như vậy?

Mình rất thích đi du lịch camping. Từ trước khi có ô tô, mình thích đi phượt bằng xe máy. Mình từng tự cầm lái chiếc Honda Winner một mình rong ruổi hàng nghìn km dọc đất nước Việt Nam rồi.

Sau này, khi mua ô tô, mình cũng nghĩ là sẽ phượt rất nhiều bằng chiếc xe đó. Chiếc xe đầu đời của mình là Kia Seltos.

Qua những chuyến đi về quê vợ ở miền núi, mình thấy chiếc CUV một cầu không còn phù hợp nên muốn đổi qua bán tải. Lý do khiến mình chọn bán tải chứ không phải SUV là bởi mình hay chở đồ, những đồ có mùi hôi mình để hết ở ngoài thùng xe, không ảnh hưởng tới không gian bên trong.

Tại sao lại là Triton chứ không phải một mẫu bán tải khác, như Ranger chẳng hạn? Rõ ràng Ranger đang bán rất chạy ở thời điểm anh mua xe.

Trước khi mua xe, mình đã lái thử cả Triton, Ranger và Navara, và thử nhiều nhất là Ranger.

Mình chạy thử 2 đời Ranger, bao gồm cả đời 2023 mới nhất, thì cuối cùng vẫn lựa chọn Triton, chỉ vì 2 tính năng là dẫn động 4 bánh toàn thời gian và khoá vi sai trung tâm. Ranger thì chỉ có bản Raptor thế hệ mới 2023 có dẫn động 4 bánh toàn thời gian, nhưng bản này rất đắt.

Xác xe Ranger còn nặng hơn Triton rất nhiều. Thêm nữa, mặc dù Ranger có thông số động cơ mạnh hơn nhưng máy 2.0L twin-turbo cho độ trễ lớn hơn, không thoát như máy 2.4L turbo đơn MIVEC của Triton.

Để so sánh toàn diện thì tất nhiên xe nào cũng có cái hay riêng. Cái hay của Ranger là công nghệ nhiều hơn. Ranger còn một cái hay nữa là công nghệ tự kiểm tra dầu máy, tránh ảnh hưởng tới máy móc sau này.

Triton bản mới cũng đã dần nâng cấp công nghệ an toàn cho xe. Những cái cơ bản cần thiết như cảnh báo điểm mù, cảnh báo va chạm sớm thì Triton đều có.

Mình có xem và thích cả Navara vì hệ thống treo đa điểm, nhưng cũng chỉ vì không có dẫn động 4 bánh toàn thời gian và khoá vi sai trung tâm nên mình không chọn. Thực ra, khi mua Triton về, chỉ cần thay bộ giảm xóc mới là ngon hơn hẳn Navara rồi.

Anh có nói rằng mình thích đi du lịch. Anh đã đi những đâu cùng gia đình bằng chiếc Triton này và chuyến đi nào ấn tượng nhất với anh?

Mình và vợ chủ yếu đi những vùng núi cao, như Sa Pa, Tà Xùa, các địa điểm ở Hoà Bình, Thanh Hoá, còn ở quê mình là Quảng Ninh thì mình có đi Bình Liêu, lên đỉnh Phượng Hoàng.

Chuyến đi nào cũng vui và không gặp khó khăn gì, cho dù có những nơi địa hình hiểm trở với nhiều sỏi đá, trời mưa rất trơn trượt như đỉnh Bình Hương (Quảng Ninh). Lái chiếc Triton cũng nhàn, đi qua các cung đường xấu chỉ cần cài đúng 2 cầu là vượt qua thôi, còn chưa phải dùng đến 2 cầu nhanh, 2 cầu chậm hay khoá vi sai. Có những chuyến mình phải dùng xe Triton của mình để kéo xe khác.

Qua những chuyến đi xa, anh đánh giá thế nào về ưu và nhược điểm, hay điểm nào cần nâng cấp của Triton để phục vụ tốt hơn?

Mình là người thích lái và là người cầm lái chính trong các chuyến đi. Như mình đã nói, mình đánh giá rất cao tính năng là dẫn động 4 bánh toàn thời gian. Đây cũng chính là thứ đưa mình đến quyết định cuối cùng là mua Triton.

Mình đi đường trường, đường đèo rất nhiều và đều sử dụng tính năng dẫn động 4 bánh toàn thời gian, hiểu như rằng 4 bánh đều có lực kéo nhưng có sự “nhường nhau” khiến chiếc xe bám đường tốt hơn rất nhiều.

Còn khi vào các cung đường lầy lội, xấu khiến xe khó vượt qua, chế độ có khoá vi sai trung tâm giúp chiếc xe sẽ được phân bố lực kéo ra đều 2 cầu giúp cho dễ dàng vượt qua được, hay trong đua xe có chạy rally đường trường, sử dụng khoá vi sai rất thích và mang đến cảm giác an toàn.

Đi trong đoàn với thời tiết mưa gió, một số anh em chạy đường trường đi 1 cầu, thấy mình nói mình chạy 2 cầu thì thắc mắc tại sao lại chạy được 2 cầu. Nhưng trải nghiệm thực tế của mình chạy 2 cầu (4 bánh toàn thời gian) an toàn hơn rất nhiều. Khi một số xe khác ôm cua bị trơn trượt, bị văng, thì xe mình vẫn ổn định.

Còn về điểm cần nâng cấp trên Triton thì đầu tiên là công nghệ. Nói công nghệ là nhược điểm thì không hẳn. Triton với mình vẫn đủ dùng với những tính năng an toàn hiện tại, nhưng nếu có thêm nhiều tính năng như Ranger thì vẫn hơn.

Cái thứ hai mà mình chưa ưng ở Triton là màn hình nhỏ. Mình đi xa nhiều, hay nhìn bản đồ, mà màn hình nhỏ nhìn hơi khó. Cắm điện thoại Android thì thậm chí không được tràn màn hình. Mình ngại độ màn hình vì liên quan tới hệ thống điện và bảo hành của xe nên đành để nguyên bản.

Tiếp theo là tiếng máy. Tiếng máy dầu thì xe nào cũng to cả, nhưng tiếng trên Triton nghe đanh chứ không giòn và có lực như ở Ranger và cả Navara, cho dù khi cầm lái thì Triton bứt tốc tốt hơn ở ga đầu. Theo mình, đây không phải nhược điểm mà chỉ là sở thích cá nhân mà thôi.

So với các xe trong phân khúc dùng vô-lăng trợ lực điện thì Triton vẫn trợ lực dầu. Nhiều người nói là nặng, còn với mình thì bình thường. Trợ lực dầu đi đường xa thật tay hơn. Vợ mình cũng cầm lái Triton mà chưa bao giờ phàn nàn về vô-lăng nặng cả.

Triton đã có xe đời mới ở Thái Lan. Liệu anh có dự định nâng đời lên chiếc xe mới trong thời gian tới không?

Mình cũng có theo dõi và đọc tin tức về Triton mới ở Thái Lan nhưng chưa được trải nghiệm, mới nghe qua review ở Thái Lan thôi nên chưa quyết định được. Mình muốn trải nghiệm thực tế hơn.

Tất nhiên thì cái gì mới cũng thích hơn, bởi xe đời mới luôn có những công nghệ mới, kiểu dáng đẹp hơn. Nhưng để nói nâng đời hay không thì còn tùy vào nhiều điều kiện. Chiếc Triton của mình cũng mới đi có mấy tháng, mình vẫn hài lòng và muốn trải nghiệm thêm chứ chưa nghĩ tới lên đời.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Xem thêm:

Tin liên quan

Đại lý chính hãng nhận cọc Lexus GX 2024: Giá dự kiến 5,97 tỷ, giao xe giữa năm sau, 'siêu phẩm' được giới nhà giàu Việt mong chờ

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chu-xe-mitsubishi-triton-moi-thang-chay-6000km-dua-giai-cho-hang-hay-cho-vo-con-di-choi-deu-on-a79557.html