Nghỉ Tết kéo dài bao lâu?
Sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến góp ý, tổng cộng có 3 phương án nghỉ Tết được đưa ra: Nghỉ 7 ngày (từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng); 8 ngày (từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng, làm bù thứ Bảy) và 9 ngày (từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng).
Trong số 16 cơ quan, bộ ngành được lấy ý kiến, Bộ Tài chính chọn phương án 9 ngày thay vì 7 ngày như các bộ Nội vụ, Giao thông Vận tải. Theo Bộ Tài chính, nghỉ từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng (21-29/1/2023) vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, hài hòa, tạo điều kiện để công chức, viên chức chủ động nghỉ ngơi, đoàn tụ với gia đình.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án mới nghỉ 8 ngày. Cụ thể, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (19-26/1/2023), đi làm trở lại vào mùng 6 và làm bù thứ Bảy (28/1/2023).
Doanh nghiệp ủng hộ phương án nghỉ Tết sớm
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Khảo sát cho thấy, phần lớn lao động chọn phương án nghỉ kéo dài và được nghỉ Tết sớm, từ 28 tháng Chạp.
Khi đề xuất chính sách, cơ quan chuyên môn cần tính toán yếu tố lao động di cư, đất nước trải dài từ Bắc đến Nam, người dân về quê mất nhiều thời gian. Nghỉ Tết sớm sẽ tạo điều kiện cho lao động về quê, sắm sửa chu đáo, giảm ùn tắc giao thông.
Nghỉ Tết sớm từ ngày 28 tháng Chạp cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia lẫn doanh nghiệp khối sản xuất. Đặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình vẫn mong muốn về quê đón Tết. Tâm lý người Việt cũng luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết. Nghỉ muộn sẽ gây áp lực lớn cho giao thông vận tải; giá vé tàu, xe, máy bay tăng cao, thậm chí nhiều lao động không kịp về quê đón Tết.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội đề nghị, nếu chọn phương án ngắn ngày, cần áp dụng nghỉ hoán đổi và đi làm bù vào mùng 7 Tết (thứ Bảy). Cụ thể, kỳ nghỉ sẽ kéo dài 8 ngày, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (19-26/1/2023). Công chức, lao động đi làm trở lại vào mùng 6 Tết và làm bù thứ Bảy.
Theo ông Lộc, lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình thì trong tâm thức vẫn tìm về quê vào dịp Tết. Nhu cầu gắn kết của họ với gia đình ngày càng lớn, nhất là sau những biến cố như đại dịch. Vì vậy, nếu cho nghỉ muộn quá, công nhân có thể tự xin nghỉ trước một vài ngày, doanh nghiệp cũng khó cản do tránh tranh chấp và tránh tình trạng lao động không trở lại sau Tết.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng đề nghị nghỉ thêm một ngày trước Tết (khoảng 28 tháng Chạp) để việc đi lại về quê của người dân giãn ra. Hàng không, bến xe đều được giảm tải và nhà xe không bị áp lực tăng chuyến. Tuy nhiên, phương án nghỉ 9 ngày để người dân xếp lịch về quê, đi chơi, du lịch sẽ góp phần kích cầu du lịch và phát triển kinh tế. Nếu nghỉ 7 ngày, đi làm một ngày rồi lại nghỉ hai ngày cuối tuần sẽ khiến năng suất công việc của ngày đi làm không cao do mọi người còn tâm lý nghỉ Tết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị nên cho người lao động nghỉ liền mạch 9 ngày và nghỉ trước Tết sớm hơn để có thời gian mua sắm, người xa quê kịp di chuyển về nhà và người muốn đi chơi xa, du lịch nước ngoài cũng có thời gian sắp xếp.
“Chúng ta không nên hạn chế đi lại của người dân trong dịp lễ tết. Ý kiến cho rằng nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông nếu nghỉ dài là không đúng mà tai nạn gia tăng do các nguyên nhân khác”, ông Quyền bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Quang Tạo, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty CP đầu tư xây dựng Ngãi Cầu (KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, Bắc Ninh), doanh nghiệp (DN) luôn căn cứ vào lịch của Chính phủ công bố và tình hình sản xuất kinh doanh để lên phương án nghỉ Tết cho phù hợp. Những năm trước, để đảm bảo đơn hàng, công nhân làm dồn dập, tăng ca cả thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo tiến độ xong trước khi nghỉ tết. Năm nay, tính tới thời điểm này, tình hình sản xuất không quá căng thẳng, do đó công ty dự kiến cho người lao động được nghỉ tết sớm hơn.
“Với những lao động ở xa, sẽ ưu tiên nghỉ luân phiên từ 24 - 25 tết, còn những người ở gần sẽ làm việc đến 27 - 28 Tết. Việc tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ dài vừa mang tính nhân văn, hài hòa lợi ích và không trái với quy định của luật”, ông Tạo chia sẻ.
Nhiều DN ngành dệt may phía bắc cũng đồng ý với phương án cho người lao động nghỉ dài trước Tết. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên, tình hình chung của các DN dệt may cuối năm nay và đầu năm tới sẽ ít đơn hàng, do các thị trường xuất khẩu là Mỹ và châu Âu đang giảm nhu cầu tiêu dùng do lạm phát. Thời điểm hiện tại, nhiều DN dệt may chỉ áp dụng đi làm 5 ngày/tuần và làm đến 4 giờ chiều thì nghỉ. Do đó, DN có thể linh hoạt cho người lao động nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, nhưng sẽ chọn ngày nghỉ trước tết 2 - 3 ngày.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về phương án nghỉ Tết, với 2 phương án Bộ LĐ-TB-XH đưa ra, có 80% NLĐ đồng ý nghỉ Tết 9 ngày. Với phương án 3, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ 8 ngày, có tới 93% người lao động đồng tình.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty may 10, bày tỏ: “Nguyện vọng của hầu hết NLĐ là nghỉ từ 28 Tết để còn sắm Tết, sửa sang nhà cửa, về quê… Cả 2 phương án 7 ngày hay 9 ngày của Bộ LĐ-TB-XH đưa ra đều nghỉ trước Tết quá sát, còn sau Tết lại dài. Do vậy, phương án của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là đẹp nhất, người lao động nghỉ từ 28 Tết”.
Cùng quan điểm, ông Đinh Quang Dương, Giám đốc khối sản xuất Công ty TNHH Yamaha Motor VN, cho biết Ban lãnh đạo công ty cũng sắp xếp, “chốt” lịch nghỉ Tết 2023 từ ngày 28 tháng Chạp để người lao động về quê sớm. Ông Dương chia sẻ: “Công nhân đã vất vả làm việc cả năm, chúng tôi không muốn họ thêm vất vả vì tàu xe ngày tết. Nhiều năm qua, công ty tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết mới thấy bắt xe khách những ngày sát Tết không hề đơn giản”.
Nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023
Đối với nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, Bộ Tài Chính đã chọn phương án 1 là nghỉ 2 ngày theo quy định, trong đó, nghỉ ngày 2 tháng 9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước ngày 2 tháng 9.
Công chức, viên chức được nghỉ từ thứ Sáu ngày 1/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 4/9/2023. Như vậy, với phương án này, dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 4 ngày (bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, một ngày nghỉ hằng tuần và một ngày nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần theo quy định tại Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động).
Lý do lựa chọn phương án một, việc lựa chọn phương án này sẽ phù hợp với điều kiện và thời gian nghỉ hài hòa đảm bảo theo quy định, đồng thời tránh dịp nghỉ lễ Quốc khánh trùng với lịch khai giảng năm học mới (5/9/2023).
Trúc Chi (t/h theo Đại Đoàn Kết, Thanh Niên)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nhieu-doanh-nghiep-dong-y-cho-nguoi-lao-dong-nghi-tet-nguyen-dan-som-a7944.html