Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao tại Hà Nội trong những ngày qua dù thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp chỉ còn 16 - 29 độ. Điều này khiến cho mọi người cho rằng muỗi sốt xuất huyết đang phá vỡ quy luật sinh sản bất chấp thời tiết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17/11), toàn thành phố ghi nhận thêm 2.530 trường hợp sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Tính đến 09/11/2023, Hà Nội ghi nhận 31.013 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong, 1.757 ổ dịch, hiện còn 176 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã; số mắc tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có diễn biến phức tạp, số mắc có thể gia tăng trong những tuần tiếp theo, nguy cơ có thêm các trường hợp nặng và tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, thông thường tháng 9, 10, 11 tại miền Bắc là đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết. Do đó, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng là điều rất bình thường.
Thời điểm tháng 9 và tháng 10, mật độ muỗi vẫn rất cao. Tới tháng 11 thời tiết chưa lạnh sâu, cộng thêm mưa, nhiệt độ trong khoảng 20-25 độ C vẫn thích hợp cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Quá trình nuôi muỗi (Ảnh: N.M)
"Theo tôi vào cuối tháng 11 khi nhiệt độ miền Bắc lạnh sâu hơn thì mật độ muỗi sẽ giảm dần. Quá trình giảm sẽ diễn ra rất từ từ chứ không đột ngột. Cho nên số ca mắc sốt xuất giảm sẽ rơi vào cuối tháng 12", TS Dũng nói.
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, kết quả giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần vừa qua cho thấy còn tồn tại các yếu tố nguy cơ, chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng ở các nơi như: Trúc Bạch, Ba Đình, Chúc Đồng, Chương Mỹ, Phú Túc, Phú Xuyên, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm…
TS Dũng cho hay: "Trong tháng 11 này, muỗi sốt xuất huyết sẽ vẫn phát triển do thời tiết vẫn còn mát mẻ. Nhiệt độ miền Bắc hiện nay không lạnh như ngày xưa và không lạnh kéo dài. Mật độ muỗi sẽ giảm nhưng giảm rất chậm. Năm nay, với tác động của El Nino tháng 12 sẽ vẫn còn ấm do vậy không được chủ quan với sốt xuất huyết. Đặc biệt, tháng 11 vẫn đang nằm trong đỉnh của dịch sốt xuất huyết".
Chuyên gia lưu ý, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân nên tới cơ sở y tế để được hỗ trợ y tế và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tăng cường công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả, triệt để, không để ổ dịch bùng phát rộng, diễn biến kéo dài.
6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
https://soha.vn/so-ca-sot-xuat-huyet-van-o-muc-cao-co-hay-khong-muoi-sinh-soi-pha-quy-luat-20231121114231739.htm
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/so-ca-sot-xuat-huyet-van-o-muc-cao-co-hay-khong-muoi-sinh-soi-pha-quy-luat-a78373.html