Theo tờ Popular Science China, khi mới phát bệnh, Tiểu Mỹ (9 tuổi, Trung Quốc) cảm thấy mắt phải của mình ngày càng mờ, dần dần cô bé vẫn cảm thấy đau khi nhãn cầu phải cử động. Trong thời gian này, cô bé cũng bị đau bụng nên đã đến bệnh viện địa phương, Tiểu Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh viêm hạch mạc treo cấp tính và được điều trị bằng thuốc.
Khi các triệu chứng về mắt của cô bé ngày càng rõ ràng hơn, gia đình đã đưa cô bé đến Bệnh viện Mắt Ninh Ba (Trung Quốc). Bác sĩ tiếp nhận nhận thấy thị lực mắt trái của Tiểu Mỹ bình thường nhưng thị lực mắt phải lúc này chỉ còn 1.2/10, nếu tiếp tục phát triển có nguy cơ dẫn tới mù lòa.
Khám mắt cho thấy dây thần kinh thị giác ở mắt phải của Tiểu Mỹ bị phù và tắc nghẽn, nhưng kỳ lạ là cô bé còn có phản ứng viêm toàn thân và hạch bụng sưng tấy. Trước nguyên nhân phức tạp, bác sĩ đề nghị nhập viện để kiểm tra thêm và điều trị triệu chứng sau khi tìm ra nguyên nhân.
Nhưng đến ngày nhập viện, Tiểu Mỹ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt cao, đau bụng, cô bé ngay lập tức được điều trị chống viêm bằng hormone và cephalosporin, sau một thời gian, các triệu chứng liên quan như sưng hạch đã được kiểm soát.
Ảnh minh họa
Thủ phạm hóa ra là một con mèo
Sau khi xuất viện, thị lực của Tiểu Mỹ hồi phục nhẹ nhưng thị lực vẫn rất mờ, cô bé đến bệnh viện kiểm tra thì thấy thị lực đã cải thiện lên 2.5/10.
Theo bác sĩ, dựa trên các cuộc kiểm tra trước đó và những triệu chứng toàn thân, họ nghi ngờ Tiểu Mỹ bị nhiễm Bartonella, hay còn gọi là bệnh mèo cào. Sau các cuộc kiểm tra liên quan, vi khuẩn thực sự đã được phát hiện trong chất lỏng ở mắt phải của cô bé.
Lúc này, Tiểu Mỹ nhớ ra rằng cô bé thực sự đã tiếp xúc với mèo vài lần cách đây mấy tháng, nhưng cô bé không thể nhớ mình có bị trầy xước hay không. Sau khi tìm ra nguyên nhân, điều trị triệu chứng và tái khám, thị lực của Tiểu Mỹ cuối cùng đã dần trở lại mức 8/10, mức trước khi phát bệnh.
Các bác sĩ cho biết, bệnh mèo cào là bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bartonella gây ra, thường lây nhiễm qua vết xước, vết cắn hoặc liếm vào vết thương hở trên cơ thể con người của vật nuôi như chó, mèo. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, chủ yếu là sưng to các hạch bạch huyết tại chỗ, đối với người trưởng thành có chức năng miễn dịch bình thường, diễn biến của bệnh hầu như tự giới hạn và sẽ tự khỏi sau 1 đến 3 tháng. Ở trẻ em có chức năng miễn dịch kém, các triệu chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, một số có cả triệu chứng nhiễm trùng toàn thân và triệu chứng ở mắt, một số chỉ có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân và không có triệu chứng ở mắt, và một số chỉ có triệu chứng ở mắt. Tình trạng của Tiểu Mỹ là có cả triệu chứng toàn thân và bệnh về mắt.
Các bác sĩ cho biết, bệnh mèo cào rất hiếm gặp, nếu người dân không được điều trị kịp thời sau khi nhiễm bệnh, họ có thể bị mất thị lực nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa bệnh mèo cào
Các bác sĩ khuyến cáo những người nuôi thú cưng tại nhà nên tẩy giun cho thú cưng thường xuyên và khám sức khỏe, tránh tiếp xúc giữa thú cưng nhà và động vật ngoài tự nhiên để tránh cho thú cưng của mình bị nhiễm bệnh.
Chức năng miễn dịch của trẻ còn yếu nên cố gắng tránh tiếp xúc với thú cưng, không nên để thú cưng liếm vết thương. Cắt móng cho thú cưng thường xuyên và rửa tay kịp thời bằng xà phòng và nước chảy sau khi tiếp xúc với chúng.
Nếu bạn bị cào hoặc cắn và bị đỏ mắt hoặc mờ mắt, hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị chuyên môn nhằm ngăn ngừa bệnh mèo cào.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, The Healthy
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/be-gai-9-tuoi-gan-nhu-bi-mu-thu-pham-co-the-cung-dang-o-quanh-ban-a77418.html