Sốt xuất huyết đã vào mùa, người dân cần đề phòng mạnh mẽ
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận trên 113.400 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 10.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đến thời điểm này, cả nước đã có 39 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Đặc biệt Tp.HCM đã có gần 22.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa là đỉnh dịch, dịch có thể kéo dài đến quý 3 năm nay.
Bộ Y tế dự báo, ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế mới đây đã tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Các địa phương triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại; vận động toàn thể người dân cùng tham gia.
Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.
Đồng thời, Sở tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở...
Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết
Theo các chuyên gia y tế, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, với số lượng người mắc bệnh tăng cao, thậm chí phải nhập viện, tử vong, người dân cần nhận biết các triệu chứng, cách dùng thuốc đúng và các biện pháp phòng ngừa có thể dễ dàng chống lại căn bệnh này.
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền, đôi khi biến chứng có thể gây chết người được gọi là sốt xuất huyết nặng.
Tại Việt Nam, tình hình nhiễm sốt xuất huyết thường diễn biến phức tạp và đạt đỉnh từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Hiện, số ca sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng.
Việc phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong. Cần nghi ngờ sốt xuất huyết khi sốt cao (40°C) kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau trong giai đoạn sốt (2 - 7 ngày): nhức đầu dữ dội; đau hốc mắt; đau cơ và khớp; buồn nôn; nôn mửa; phát ban.
Khi bị sốt xuất huyết nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24 - 48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. Sốt xuất huyết nặng có thể gây tử vong, do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy đa tạng. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: đau bụng; nôn mửa liên tục; thở nhanh; chảy máu nướu răng hoặc mũi; mệt mỏi; bồn chồn; gan to; máu trong chất nôn hoặc phân.
Nếu bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng này, cần theo dõi sát sao và chăm sóc y tế thích hợp, tránh biến chứng và nguy cơ tử vong.
Sốt xuất huyết do virus gây ra, hiện không có thuốc đặc trị hay kháng sinh điều trị.
Đối với bệnh sốt xuất huyết điển hình, việc điều trị được hướng tới việc làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn và sốt cao. Sốt xuất huyết là một bệnh sốt siêu vi nên thuốc kháng sinh không hữu ích đối với bệnh nhiễm virus này. Do vậy, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhập viện, nếu bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
Theo chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 cao điểm ngay trong tháng 6 và tháng 7 năm 2022.
Chỉ đạo Sở Tài chính đảm bảo kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đến viện ngay
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh mắc sốt xuất huyết tới ngay cơ sở y tế:
- Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo).
- Nôn liên tục.
- Đau bụng dữ dội.
- Lơ mơ.
- Rối loạn ý thức hoặc co giật.
- Xanh tím, tay và chân lạnh.
- Khó thở.
Hiện nay, một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nhập viện muộn dẫn đến tử vong. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm và đến viện điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Để phòng bệnh, người dân cần:
- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, ví dụ như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Khi bị sốt, người dân đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Bạn không tự ý điều trị tại nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
- Đặc biệt với trẻ em, cha mẹ không cho bé chơi ở những nơi ẩm thấp và tối, cây cối rậm rạp.
- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.
Trúc Chi (t/h theo TTXVN, Zing)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/sot-xuat-huyet-gia-tang-can-su-quyet-liet-phong-benh-a767.html