'Doanh nghiệp, người dân chờ sự quyết liệt, đột phá của tân Chủ tịch Hà Nội'

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng, người dân, doanh nghiệp chờ đợi tân Chủ tịch UBND thành phố quyết liệt, dám nghĩ dám làm, giải quyết thấu đáo các vấn đề, đưa ra thời hạn rõ ràng cho từng việc phải giải quyết xong trong bao lâu...

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, đang có nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

"Thành phố có rất nhiều điều kiện để thực hiện được việc này, khi đội ngũ trí thức, doanh nhân, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế tập trung rất nhiều ở Hà Nội. Người dân đang kỳ vọng vào một Thủ đô đáng sống", ông Đoàn nói.

Doanh nghiệp, người dân chờ sự quyết liệt, đột phá của tân Chủ tịch Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội.


Theo ông Đoàn, nếu nhìn về tổng thể, nhiều công việc ở Thủ đô vẫn đang xử lý chậm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo, cơ quan, đơn vị đang sợ trách nhiệm, đùn đẩy nhau. Nhiều văn bản trả lời của các cơ quan rất chung chung, không rõ nét, các đơn vị thực hiện rất khó.

Ở cấp quận, huyện, việc giải quyết công việc cũng đã có ý thức, thay đổi, tốt hơn, nhưng người dân vẫn kỳ vọng cao hơn, có thể đạt kết quả tốt hơn, để Thủ đô phát triển, thực sự vươn lên là ngọn cờ đầu trong các tỉnh, thành phố.

"Với Hà Nội, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, phát triển bền vững. Quanh vị trí Chủ tịch Hà Nội có rất nhiều cộng đồng tư vấn, từ giới trí thức, doanh nhân, người dân Thủ đô hiến kế. Chỉ mong bộ máy chính quyền của thành phố quyết liệt vì dân" - Ông Phạm Đình Đoàn.

"Từ những điều phân tích ở trên, tôi nghĩ rằng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt. Không chỉ riêng Hà Nội, mà ở tỉnh, thành, đơn vị nào bây giờ cũng cần những người như vậy. Có tâm, có tầm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm vì sự nghiệp phát triển chung", ông Đoàn nêu.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu, trong quá trình làm, rõ ràng là có cái sai, cái đúng, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân sẽ ghi nhận những người dám đột phá trong công việc vì lợi ích chung. Đột phá vì lợi ích chung hoàn toàn tách biệt với đột phá vì lợi ích cá nhân.

"Với Hà Nội, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, phát triển bền vững. Quanh vị trí Chủ tịch Hà Nội có rất nhiều cộng đồng tư vấn, từ giới trí thức, doanh nhân, người dân Thủ đô hiến kế. Chỉ mong bộ máy chính quyền của thành phố quyết liệt vì dân", ông Đoàn nói, đồng thời cho rằng, nếu không giải quyết kịp thời các vấn đề, để chậm, nó cứ ùn tắc mãi, tạo ra hàng núi khó khăn, thành ra cứ luôn đi sau, bị động khi giải quyết vấn đề.

"Như người ta nói là chữa cháy, trong khi đáng ra phải phòng cháy, phải tiên lượng trước các vấn đề lớn, ví dụ vấn đề về quy hoạch phát triển đô thị, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống, tắc nghẽn giao thông, vấn đề về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…", ông Đoàn nói thêm.

"Làm đúng đã đành rồi, nhưng phải tăng tốc. Nếu công việc đó giải quyết trong 3 năm, giờ xong trong 1 năm thì lợi ích rất lớn. Nếu 1 năm thành 3 năm thì lượng tiền mất mát rất kinh khủng. Đảng đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Giải quyết chậm công việc cũng là một loại lãng phí khủng khiếp, thiệt hại có khi còn lớn hơn tệ nạn tham nhũng" - Ông Phạm Đình Đoàn.

Là một doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố, ông Đoàn cho rằng, để giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố cần quyết liệt, giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo, đưa ra thời hạn rõ ràng cho từng việc phải giải quyết xong trong bao lâu.

"Dứt khoát phải như thế, nếu không có việc cứ kéo dài cả năm, cả tháng chưa xong. Thời gian trôi qua, thiệt hại nhất là người dân, doanh nghiệp, bởi lãng phí nguồn lực rất lớn. Ví dụ, một công việc liên quan đến doanh nghiệp, giải quyết trong thời gian 1 năm hay 3 năm, 5 năm sẽ khác hẳn nhau, có khi doanh nghiệp đang làm ăn có lãi thành lỗ, nguy cơ phá sản… Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đang rất lo", ông Đoàn nói và cho rằng, có lẽ, trong tiêu chí hoàn thành công việc của cán bộ nhà nước bây giờ nên thêm tiêu chí về tốc độ.

Về vấn đề hiện nay đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, liệu có tác động đến tâm lý cán bộ, khiến họ thiếu quyết đoán, đột phá, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, ông Đoàn cho rằng, để công bằng, hãy để người dân, doanh nghiệp đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các vị trí lãnh đạo.

"Ở cấp quận, huyện cũng có đánh giá. Ở các sở, ngành cũng vậy. Vị trí Chủ tịch UBND thành phố cũng cần đánh giá. Ví dụ, sau một năm, có thể lấy ý kiến người dân, cộng đồng doanh nghiệp về mức độ hoàn thành công việc. Phải có con mắt giám sát để người dân thấy hiệu quả công việc được giao đến đâu", ông Đoàn nói.

Theo thông tin từ HĐND thành phố Hà Nội, ngày 15/7, HĐND thành phố đã có giấy triệu tập kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021- 2026 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Dự kiến, kỳ họp diễn ra vào chiều 22/7 tới, để xem xét, bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Trước đó, tại lễ công bố Quyết định điều động ông Trần Sỹ Thanh về làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thông tin, ông Trần Sỹ Thanh được giới thiệu để HĐND thành phố bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

 

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/doanh-nghiep-nguoi-dan-cho-su-quyet-liet-dot-pha-cua-tan-chu-tich-ha-noi-a762.html