Hệ thống cân bằng điện tử
Hệ thống cân bằng điện tử trên ô tô ESP (Electronic Stability Program) hay còn gọi là ESC (Electronic Stability Program) - là hệ thống được trang bị phổ biến trên ô tô nhằm tăng tính an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ xe bị mất lái, giữ quỹ đạo khi đang di chuyển.
Hệ thống này rất cần thiết khi xe vận hành trong điều kiện địa hình hoặc thời tiết không ổn định như: mặt đường ướt, trơn trượt do mưa bão, có độ bám thấp do nhiều sỏi đá hoặc trong những tình huống cần đánh lái gấp để tránh chướng ngại vật khi di chuyển trên đường.
Hiện nay, hệ thống cân bằng điện tử ESP được coi như một trong những tiêu chuẩn để đánh giá về mức độ an toàn của xe hơi. Hệ thống này là một trong những trang bị không thể thiếu trên các dòng xe thương mại, đặc biệt là ở thị trường Mỹ và châu Âu.
Nguyên lý hoạt động của cân bằng điện tử ngắn gọn như sau: Về cơ bản, hệ thống cân bằng điện tử hoạt động bằng cách can thiệp vào hệ thống phanh giúp cho xe bám đường tốt hơn, tránh nguy cơ mất lái, lật xe trong những tình huống người lái không kịp phản ứng. Khi phát hiện tình trạng mất ổn định trên một hoặc nhiều bánh xe, bộ điều khiển trung tâm ECU sẽ tự can thiệp bằng cách kích hoạt phanh từng bánh xe một cách tự động (dựa vào hệ thống chống bó cứng phanh ABS) tùy theo điều kiện thực tế hoặc ngắt momen từ động cơ đến các bánh xe (dựa vào hệ thống kiểm soát lực kéo TCS).
Hiểu một cách đơn giản là trong quá trình chuyển động, nếu hệ thống ESP phát hiện được tình trạng xe bắt đầu bị mất lái (chẳng hạn khi vào góc cua), hệ thống sẽ làm việc bằng cách can thiệp vào hệ thống phanh, đồng thời giảm công suất động cơ để giảm vận tốc.
Hệ thống khởi hành ngang dốc - trợ thủ đắc lực giúp người điều khiển ô tô an tâm mỗi khi lái xe vượt dốc.
Việc dừng đỗ ngang dốc, vượt đèo hay hãm tốc đổ đèo là “nỗi ám ảnh” của nhiều người, nhất là với các tài xế mới. Khi xe khởi động ở lưng chừng dốc, nếu tài xế không làm chủ được chân ga, chân phanh thì ô tô có thể bị trượt dốc gây nguy hiểm cho người điều khiển cũng như va chạm với những xe khác. Chính vì vậy, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc chính là tính năng vô cùng cần thiết đối với mỗi chiếc xe ô tô.
Kỹ thuật khởi hành ngang dốc vốn không dễ dàng, vì khi chuyển chân phanh sang chân ga sẽ bị trôi xe gây nguy hiểm cho người phía sau. Hệ thống này được phát triển để hỗ trợ người lái chuyển từ chân phanh sang chân ga giúp xe không bị trôi dốc. Nếu không có trợ thủ đắc lực này thì mỗi lần vượt dốc sẽ trở thành nỗi ám ảnh của mỗi bác tài.
Túi khí – hệ thống an toàn cơ bản
Túi khí trên ô tô là một trong những hệ thống an toàn cơ bản được trang bị trên mỗi chiếc xe hơi. Xuất hiện lần đầu vào năm 1953, nhưng tới năm 1998 sau nhiều lần cải tiến, túi khí được sử dụng rộng rãi và trở thành trang bị tiêu chuẩn cho xe ô tô.
Đây là một thiết bị thụ động được trang bị trên ô tô để hạn chế va đập gây tổn thương cho người ngồi trên xe khi có va chạm mạnh xảy ra. Theo các thống kê tại Mỹ, hệ thống túi khí giúp hạn chế nguy cơ thương vong lên đến 30%.
Khi xe gặp sự cố nguy hiểm, hệ thống túi khí sẽ phồng lên rất nhanh để tạo thành đệm hơi giúp làm giảm chấn thương cho người ngồi trong xe. Tại một số quốc gia, túi khí được coi là trang bị bắt buộc trên xe ô tô bên cạnh dây đeo an toàn. Cấu tạo hệ thống túi khí gồm ba bộ phận chính là túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.
Hệ thống túi khí được lắp đặt ẩn ở một số vị trí trong khoang và phần khung xe. Theo vị trí lắp đặt, hệ thống này thường gồm 4 loại là túi khí phía trước, túi khí sườn, túi khí đầu gối, túi khí dây đai an toàn. Mặc dù là trang bị tiêu chuẩn nhưng khi về Việt Nam, để giảm giá bán nhiều mẫu xe chỉ được trang bị hai hoặc ba túi khí ở vị trí người lái và hành khách phía trước. Nếu có va chạm bên hông và ở vị trí hàng ghế thứ hai mà không có túi khí sẽ rất nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn, khi mua xe, khách hàng nên xem xét kỹ và cân nhặc trong việc lựa chọn mua những chiếc xe có trang bị đủ túi khí ở tất cả các vị trí.
Hệ thống đèn chiếu sáng
Ngày nay hệ thống đèn chiếu sáng ô tô không chỉ là những chi tiết tạo nên cá tính và thẩm mỹ của xe, đây chính là yếu tố đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách khi lưu thông trên đường, đặc biệt là khi trời tối và những nơi thiếu ánh sáng.
Hệ thống chiếu sáng trên ô tô được tích hợp phía trước, phía sau, hai bên và phía trong xe giúp tài xế quan sát rõ đường đi. Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng còn cho phép phương tiện xung quanh và người đi bộ nhận biết sự hiện diện của xe cũng như phán đoán được hướng di chuyển để tránh xảy ra xung đột khi tham gia giao thông.
Ngày nay hệ thống chiếu sáng phổ thông nhất trên xe ô tô là đèn sử dụng công nghệ LED (với ưu điểm chiếu sáng xa, cường độ sáng mạnh, tỏa nhiệt thấp và chùm sáng tập trung). Mục đích của loại đèn này không phải để giúp người lái thấy đường mà để người đi bộ, phương tiện đi ngược chiều nhận biết xe từ xa.
Hiện nay cũng còn nhiều mẫu xe phổ thông sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng dạng bóng halogen, người sử dụng có thể cân đối việc chọn xe có hệ thống đèn chiếu sáng LED để đảm bảo khả năng chiếu sáng và không cần phải nâng cấp hay độ chế thêm đèn.
Ngoài đèn chiếu sáng người dùng cũng nên lựa chọn những mẫu xe có đèn sương mù giúp tăng khả năng chiếu sáng khi tài xế phải di chuyển với tốc độ thấp trong điều kiện tầm nhìn kém do mưa, sương mù, bụi hoặc tuyết. Với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới tại Việt Nam, thường xuyên xảy ra hiện tượng sương mù. Nếu xe có trang bị đèn sương mù, nhất là vào những hôm thời tiết nồm ẩm thì sẽ giúp người lái di chuyển dễ dàng trên đường.
Hệ thống camera 360 và cảm biến, camera lùi
Camera 360 độ là thiết bị công nghệ được tích hợp nhiều mắt camera có tính năng khác nhau, giúp ghi hình toàn cảnh xung quanh xe (gồm 4 mắt camera được gắn ở phía trước – sau và 2 bên gương trái – phải). Camera 360 độ ô tô có thể kết nối đa dạng với các dòng màn hình DVD ô tô hiện nay mang đến hình ảnh trực quan & rõ nét nhất.
Đây là thiết bị hỗ trợ tầm nhìn cho tài xế ô tô tốt nhất hiện nay, đặc biệt trong các trường hợp di chuyển trên các tuyến đường đông và chật hẹp. Trước đây khi các xe hơi không được trang bị camera lùi và cảm biến, khi lùi xe hoặc lưu thông trên đường, người lái thường vất vả hơn khi phải quan sát và căn chỉnh các khoảng cách. Đặc biệt đối với những người mới lái xe thì việc trang bị hai thiết bị này khiến họ cảm thấy tự tin, an tâm hơn khi lưu thông trên đường. Chỉ cần đi sát một vật cản nào đó ở một khoảng cách nhất định, cảm biến phát tín hiệu, người lái biết đường tránh nhanh hơn.
Camera lùi và cảm biến ngày nay đã trở thành trang bị tiêu chuẩn cần thiết đối với các mẫu xe, ít nhất là sẽ được trang bị hai cảm biến phía sau xe và camera lùi. Do vậy tùy vào tài chính và mục tiêu sử dụng, người dùng nên lựa chọn các xe trang bị thêm cảm biến góc sau và góc trước, cảm biến quanh xe để giúp nhận rõ những chướng ngại vật xung quanh.
Camera lùi và cảm biến chỉ hỗ trợ người dùng ở góc nhìn phía sau khi lùi xe, nhưng trên thực tế khi điều khiển xe thì phía trước mũi xe cũng có rất nhiều điểm mù, đối với những xe được trang bị Camera 360 sẽ giúp người lái khắc phục các điểm mù xung quanh xe. Vì vậy khi mua xe, khách hàng nên lựa chọn những xe có trang bị thêm camera 360 để đảm bảo tính ổn định và tăng thêm độ an toàn.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/mua-o-to-moi-can-quan-tam-den-nhung-trang-bi-nao-nhat-tren-xe-a75806.html