Jenny Lee là một nhà đầu tư mạo hiểm người Singapore và là đối tác quản lý của GGV Capital có trụ sở tại Thượng Hải. Lee là doanh nhân nữ đầu tiên lọt vào top 10 nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhất (Midas List) của Forbes vào năm 2015. Năm 2019, bà đứng thứ 86 trong danh sách 100 Phụ nữ Quyền lực nhất Thế giới của Forbes và năm 2021, xếp thứ 33 trên Midas List.
Lee là doanh nhân nữ đầu tiên lọt vào top 10 nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhất (Midas List) của Forbes vào năm 2015. Ảnh: Forbes.
Jenny Lee đã ghi dấu ấn trên thị trường khi đầu tư từ giai đoạn đầu vào một số công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Xiaomi, Kingsoft WPS….
Năm 2020, trong thời kỳ đỉnh điểm mà đại dịch gây khó khăn cho hầu khắp các cá nhân và doanh nghiệp trên thế giới, nhà đầu tư mạo hiểm kỳ cựu đã quay lại Singapore để huy động vốn cho 4 quỹ mới mà GGV Capital khởi xướng.
Trong vòng 4 tháng, Lee hầu như không ngủ. Bà đã gọi hơn 250 cuộc điện thoại, tiếp cận nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới và huy động từ xa lên tới 2,5 tỷ USD. Được biết, thông thường cần mất ít nhất quá trình 6 tháng mới đạt được số vốn khổng lồ như vậy.
Đây là số tiền huy động cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử 22 năm hoạt động của GGV, tăng 27% tài sản mà công ty đang quản lý lên mức kỷ lục 9,2 tỷ USD. Lee, người điều hành tất cả hoạt động gây quỹ bằng đồng USD của GGV, cho biết bà hài lòng với kết quả này. “Tất cả đều xứng đáng", Lee nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 tại văn phòng GGV Capital ở Singapore. “Nếu có thể huy động được 10 triệu USD mỗi cuộc gọi, tôi sẽ làm điều đó mỗi ngày".
Niềm tin của nhà đầu tư đối với GGV xuất phát một phần không nhỏ nhờ Lee, người đã được Forbes vinh danh là một trong 100 nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới trong 11 năm liên tiếp, kể từ khi góp mặt trong Midas List lần đầu tiên vào năm 2012. “Bà ấy đã củng cố danh tiếng của mình với tư cách là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm được tôn trọng nhất trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung”, trích lời giới thiệu danh sách năm nay.
Là một trong 6 đối tác quản lý điều hành GGV, Jenny Lee làm việc trong môi trường gồm những nhà đầu tư mạo hiểm nổi bật. Điển hình là đối tác quản lý toàn cầu người Singapore, Jixun Foo, nổi tiếng với việc sớm đặt cược vào Grab. Bên cạnh đó là Hans Tung, nhà đầu tư người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) từng 10 lần góp mặt trong Midas List. Những thành viên còn lại trong đội ngũ này đều rất “thiện chiến”, với kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn dày dạn trong nhiều lĩnh vực đầu tư của Mỹ.
Sáu đối tác quản lý của GGV (từ trái sang phải) Jeff Richards, Eric Xu, Glenn Solomon, Jenny Lee, Jixun Foo và Hans Tung. Ảnh: GGV Capital.
GGV cho biết, các quỹ của công ty có tổng IRR trung bình hàng năm trên 25% kể từ khi thành lập vào năm 2000.
Trong số 354 công ty thuộc danh mục đầu tư của GGV có đến 85 “kỳ lân” trải khắp châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ. Theo ước tính, Mỹ dẫn đầu trong danh mục đầu tư của GGV với 130 công ty được nhận vốn, còn Trung Quốc là quốc gia có số lượng thương vụ đầu tư cao nhất tại khu vực châu Á với 77 công ty.
Trong khi Lee bắt đầu với tư cách là một nhà đầu tư mạo hiểm tại Morgan Stanley và Jafco Asia, thì tại Trung Quốc, bà đã củng cố danh tiếng ngay sau khi gia nhập Menlo Park, GGV có trụ sở tại California vào năm 2005. Đây là GGV thứ hai ở nước ngoài vào thời điểm đó, chứng tỏ công ty rất tin tưởng năng lực của Lee để giao phó cho bà đi tiên phong trong một thị trường mới quan trọng.
Từ một cơ sở ở Thượng Hải, Lee và đối tác quản lý Foo đã đầu tư dạng chuỗi vào lĩnh vực công nghệ mới nổi tại nước này. Các công ty ban đầu có mức định giá thấp, nhưng không lâu sau đó, đã trở thành những “gã khổng lồ” công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc. Điển hình là nhà sản xuất xe điện Xpeng Motors và hãng điện thoại Xiaomi.
Một trong những khoản đầu tư vô cùng đáng giá của Lee là vào Kingsoft WPS, một nhà sản xuất phần mềm của Trung Quốc năm 2013. Tính đến đầu năm nay, công ty này đã tạo ra lợi nhuận gấp 55 lần cho GGV. Tầm nhìn của Lee và khả năng của nhóm nghiên cứu trong việc xác định các công nghệ mới nổi đã giúp họ chọn ra những “kỳ lân” xuất sắc trong tương lai. Bà chia sẻ, “Chúng tôi đã tiến rất gần đến vị trí tiên phong trong ngành công nghệ để có thể hiểu được điều lớn lao tiếp theo có thể là gì”.
Lee đã đến Trung Quốc ngay thời điểm nước này đang chuyển đổi từ công nghệ dựa trên PC sang hệ sinh thái dựa trên thiết bị di động. Để khai thác các khoản đầu tư, Lee và nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã từng “mổ xẻ” điện thoại thông minh để xác định nhà sản xuất các linh kiện quan trọng bên trong và sau đó đầu tư vào họ. Một trong số đó là AAC Technologies có trụ sở tại Trung Quốc, nhà cung cấp chính về cảm biến âm thanh cho iPhone của Apple. “Do đó, chúng tôi đã có thể đầu tư vào các công ty có công nghệ tiên tiến từ rất sớm", Lee cho biết.
Tuy nhiên, Lee cũng phải đối mặt với nhiều thử thách lớn khi hoạt động tại một trong những thị trường khó khăn nhất nhưng cũng hứa hẹn nhất cho đầu tư mạo hiểm. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 được đăng trên trang GGV, bà kể lại: “Chúng tôi phải học rất nhiều, từ cách đọc các kế hoạch kinh doanh bằng tiếng Trung, đến cách hiểu các thuật ngữ kỹ thuật”. May mắn, bà nhận được sự giúp đỡ của nhiều doanh nhân bản địa, từ đó có động lực để tiến lên. “Họ đã dạy tôi nói, cách sử dụng các cụm từ phù hợp trong tiếng Trung, và tất nhiên, ngược lại, tôi đã giúp họ học tiếng Anh”.
Một rào cản khác với Lee là văn hóa kinh doanh của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chủ yếu chuộng tiền mặt, chứ chưa phổ biến thẻ tín dụng và thanh toán điện tử. Lee đã phải mang cả một vali tiền mặt để trả cho nhân viên, những người đã “gia nhập GGV bằng niềm tin”, bà kể lại.
Thêm vào đó, khi ấy bà là đại diện cho một công ty chưa khẳng định được tên tuổi tại thị trường này. Bà nhớ lại, “Không ai biết GGV” và nhấn mạnh sự khắc nghiệt việc kinh doanh trong những ngày đầu tiên đó: “Theo một cách nào đó, tôi hiểu những gì mà các công ty khởi nghiệp phải trải qua”.
“Nếu tôi có thể huy động được 10 triệu USD mỗi cuộc gọi, tôi sẽ làm điều đó hàng ngày"
Trong vòng 4 tháng, Lee hầu như không ngủ. Bà đã gọi hơn 250 cuộc điện thoại, tiếp cận nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới và huy động từ xa lên tới 2,5 tỷ USD. Ảnh: Forbes.
Năm 2005, Lee đã “đặt cược” vào công ty dịch vụ gia công phần mềm Trung Quốc HiSoft (nay là Pactera). Để phát triển công ty, bà đã thuê người kỳ cựu trong ngành và người đồng cấp người Singapore Tiak Koon Loh làm CEO. Loh - người từng quản lý hoạt động kinh doanh của Hewlett Packard ở Trung Quốc - đã chèo lái HiSoft qua thương vụ niêm yết trên Nasdaq vào năm 2010, mở lối thoát cho GGV với lợi tức đầu tư gấp 3 lần. “Jenny nhận thấy HiSoft có thể là một doanh nghiệp toàn cầu", Loh, CEO công ty cho biết. Pactera hiện thuộc sở hữu của công ty chính phủ China Electronics và là công ty gia công phần mềm CNTT lớn nhất đại lục với doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ USD.
Việc nhận thấy tiềm năng của HiSoft là minh chứng rõ ràng về khả năng thẩm định của nữ doanh nhân quyền lực. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ lĩnh vực CNTT với hàng chục khu công nghệ cao nằm rải rác trên khắp đất nước. Lee đã trực tiếp đến thăm từng người, trò chuyện với các giám đốc để yêu cầu họ chọn ra những công ty hàng đầu trong khu công nghiệp của mình, và sau đó gặp gỡ từng công ty đó. Mặc dù kỹ năng ngôn ngữ và mạng lưới liên hệ còn hạn chế, Lee đã thực sự mang lại cho Trung Quốc một nền tảng kỹ thuật và kinh doanh mạnh mẽ.
Trước đây, Lee là một “ngôi sao đang lên” của nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước. 4 năm sau, bà được cử đi theo học tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern và lấy bằng Thạc sĩ Quản lý kinh doanh vào năm 2001. Nhưng từ lâu, Lee đã nuôi dưỡng ước muốn trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, bà đã có quyết định ít ai ngờ đến, bỏ một công việc ổn đinh, nhiều người mơ ước để theo đuổi niềm đam mê. Bà đã phải trả cho ST Aerospace khoản phí phạt 300.000 USD vì không hoàn thành học bổng 11 năm của công ty, khoản tiền này đã trả cho bằng cử nhân và thạc sĩ của bà cũng như MBA.
Thế nhưng, Lee không hối tiếc. “Đó là bước tiến tốt nhất cho tôi”, bà khẳng định.
Vào năm 2019, Lee và Foo - những người đã đầu tư vào Đông Nam Á từ năm 2005 - quyết định mở lại văn phòng của GGV tại Singapore, thu hút sự chú ý của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của khu vực. Thật không may, việc mở cửa trở lại được tiến hành chỉ vài tháng trước khi đại dịch xảy ra. Thế nhưng, số vốn lịch sử mà bà huy động sau đó đã phá vỡ kỷ lục huy động vốn 1,88 tỷ USD của GGV từ năm 2018, cũng do chính Lee thiết lập.
"Đó là khi bạn bước vào một cuộc chiến và sợ hãi khi biết mình đang bắt đầu từ con số không"
Văn phòng mới tại Singapore báo hiệu vị thế đang lên của Đông Nam Á trong ngành công nghiệp VC toàn cầu. Đây là một cơ hội lý tưởng để GGV mở rộng các công ty khởi nghiệp và công nghệ đầy hứa hẹn trên toàn khu vực.
Thực tế, Singapore đã tạo được dấu ấn về công nghệ với 12 “kỳ lân” và hơn 9.300 công ty khởi nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của KPMG và HSBC hồi tháng 7, “Singapore đứng đầu trong nền kinh tế mới của Đông Nam Á.” Ngoài ra còn có người láng giềng Indonesia với nền kinh tế trị giá hơn 1.000 tỷ USD và các kỳ lân như GoTo và Traveloka.
GGV đã triển khai một nửa số vốn mới 2,5 tỷ USD từ năm 2020. Những cái tên nổi bật trong số các công ty Đông Nam Á nhận được tài trợ là công ty fintech của Singapore Thunes, các công ty khởi nghiệp thay thế Next Gen Foods và Growthwell cũng như edtech Ruangguru từ Indonesia và Azota từ Việt Nam.
Lee đã thăng tiến thêm một bước khi vào tháng 1, Temasek bổ nhiệm bà vào hội đồng quản trị với tư cách là thành viên trẻ nhất từ trước đến nay. Với vai trò mới này, bà có lẽ đang thực hiện lời hứa với người sếp cũ tại ST Aerospace. Khi bà rời công ty năm 2001, ông đã nhắn nhủ bà “nên quay lại khi đất nước cần”. Lee tin rằng giờ đây bà có thể gia tăng giá trị cho Temasek khi thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới và sáng tạo trên khắp châu Á và thế giới. “Thật vinh dự khi được trở lại Singapore và đóng góp cho đất nước bằng đúng thế mạnh của mình”, bà nói.
Với những thành công nổi bật, đặc biệt là trong lĩnh vực thường do nam giới thống trị, không có gì đáng ngạc nhiên khi bà đã 3 lần lọt vào danh sách Phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes và danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes năm 2019.