Theo quan điểm mới nhất từ Chứng khoán Mirae Asset, ngành bán lẻ được dự báo sẽ duy trì sự phục hồi đến cuối năm 2022. Điều này đem lại bức tranh lạc quan cho doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là Masan (MSN) với chiến lược mở rộng và tái cấu trúc mạnh mẽ cho chuỗi bán lẻ (WIN).
Dù vậy, Mirae Asset vẫn đều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận ròng cả năm 2022 của Masan, do tiêu thụ thịt lợn mát kém hơn dự báo và chính sách mở rộng số lượng cửa hàng bán lẻ nhanh hơn dự kiến.
CTCK này dự báo mảng thịt của Masan sẽ chuyển sang lỗ 436 tỷ đồng do lạm phát cao dẫn tới tiêu thụ thịt lợn mát thấp. Trong khi tại báo cáo trước đó, Mirae Asset dự báo Tập đoàn sẽ lãi 225 tỷ từ mảng thịt trong năm nay.
Nhiều đại gia Việt cùng nhảy vào thị trường chăn nuôi lợn
Thị trường chăn nuôi lợn vẫn thu hút rất nhiều tay chơi. Đích đến của các ông lớn Masan, Hòa Phát, Thaco, CP Group, GreenFeed, CJ Vina Agri, Cargill, Newhope… và mới nhất có Hoàng Anh Gia Lai cùng Thaiholdings khi bước chân vào ngành này đều là thị trường thịt thương hiệu với quy mô hàng chục tỷ USD.
Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức gia nhập thị trường thịt với thương hiệu Heo ăn chuối HAGL – Bapi, mục tiêu sẽ trở thành một trong số các thế lực dẫn đầu thị trường thịt có thương hiệu (cùng với G Chicken của GreenFeed, MEATLife của Masan…) sau 2-3 năm.
Trước đó năm 2018, Masan đã đẩy mạnh đầu tư chuỗi cung ứng - trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ - và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATLife. Hiện, Công ty đang vận hành trang trại nuôi heo kỹ thuật cao tại tỉnh Nghệ An - MML Farm Nghệ An - quy mô 223 ha, công suất 250.000 con heo hơi/năm; cùng 2 tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và Long An với công suất 1,4 triệu con/tổ hợp/năm, tương đương 140.000 tấn/tổ hợp/năm.
Theo Masan, thị trường thịt lợn có giá trị hơn 10 tỷ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B. Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt lợn trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.
Bên cạnh việc kinh doanh thịt tươi, Masan cũng thấy có nhiều cơ hội để tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến. Ngày nay, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam. Các sản phẩm đột phá sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi có hơn 70% dân số sinh sống.
Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc, khi mà các nhà sản xuất có thể cung cấp các sản phẩm thịt chế biến có giá trị gia tăng, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng với mức giá thấp hơn nhiều so với thịt tươi.
Và tay chơi mới nhất, Thaiholdings (TDH) đã cùng công ty con (Thaigroup) đầu tư 600 tỷ đồng để hợp tác kinh doanh với CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 3, đầu tư dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống công nghệ cao từ cuối năm 2021.
Tại cả hai dự án chăn nuôi heo này, nhóm doanh nghiệp Thaiholdings đều góp 300 tỷ đồng/đơn vị và nhận 60% lợi nhuận từ dự án, phía Xuân Thiện Thanh Hóa góp 75 tỷ đồng, đóng vai trò quản lý và nhận 40% lợi nhuận.
Được biết, Thaiholdings hiện kinh doanh chính trong mảng đầu tư, kinh doanh VLXD và làm bất động sản.
Tuy nhiên, với việc giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh cùng các chi phí sản xuất khác, các doanh nghiệp nuôi heo đều gặp khó khăn.
Trong quý 1/2022, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) báo lỗ 56 tỷ đồng trong mảng nông nghiệp, quý 2 báo lãi 350 tỷ đồng, tổng cộng 6 tháng đầu năm 2022 lãi 294 tỷ đồng - chỉ bằng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Không nằm ngoài xu hướng, CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) ghi nhận chưa đầy 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm - giảm 96% so với cùng kỳ khi giá vốn tăng quá mạnh.
Giá lợn dự đạt đỉnh 80.000 đồng/kg trước khi hạ nhiệt
Quan điểm này được đưa ra trong bối cảnh giá cả tăng cao, giá thức ăn nhảy vọt khiến doanh nghiệp chăn nuôi sụt giảm lợi nhuận. Cùng với thức ăn chăn nuôi, giống con nuôi đắt nên người chăn nuôi đang có xu hướng không muốn tái đàn, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng heo hơi trên thị trường.
Đặc biệt, nhìn từ Trung Quốc, giá thịt lợn nước này liên tục tăng mạnh bất chấp những biện pháp xả kho dự trữ quốc gia hay kêu gọi các đơn vị chăn nuôi lớn tăng tốc giết mổ… Theo trang web theo dõi giá thịt lợn zhuwang, giá thịt lợn toàn quốc ở Trung Quốc hiện đã tăng 53% so với hồi tháng 5, lên 23,34 USD (khoảng 3,4 USD)/kg.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã có động thái theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Ghi nhận từ cuối tháng 8 đến nay, giá heo hơi khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 65.000-69.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên đạt khoảng 60.000-67.000 đồng/kg và tại miền Nam là 60.000-67.000 đồng/kg, cao hơn 45-48% so với đầu năm.
Giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam, giới phân tích cho rằng với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Dự báo, giá lợn sẽ đạt đỉnh 80.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/mang-thit-mat-cua-masan-co-the-lo-500-ty-nam-2022-a7467.html