“Thủ phủ” dược liệu quý hiếm
Đường đến huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum mùa này, hai bên sườn đồi lúa chín trĩu bông, nhuộm vàng một góc trời, toát lên vẻ đẹp của người dân vùng cao.
Anh A Trung, Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông dậy từ rất sớm tay bắt mặt mừng đón khách từ dưới xuôi lên. A Trung dẫn tôi tới khu di tích lịch sử cách mạng căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum, nằm về phía Đông Bắc xã Măng Ri.
Khu di tích ở độ cao 1.900 mét so với mặt nước biển, có vị trí, vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Kon Tum, cũng như Tây Nguyên.
Căn cứ được bao bọc bởi núi rừng, buôn làng người Xơ Đăng. Điều kiện tự nhiên thuận lợi này giúp sức cho thế hệ cha ông ta rất nhiều trong quá trình di chuyển, cũng như tấn công địch hoặc lui về phòng ngự. Căn cứ hoạt động, đấu tranh trong suốt thời gian từ năm 1960 đến 1972.
May mắn nhờ có anh Trung chúng tôi được gặp già A Mập, một nhân chứng lịch sử thời mưa bom bão đạn. Dù năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng già Mập vẫn nhanh nhẹn, tối vẫn lên rừng đặt bẫy chuột, chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh của gia đình.
Cựu chiến binh này không rành tiếng phổ thông nên phải nhờ người cháu, cũng chính là anh A Trung làm phiên dịch.
Nhìn lên đỉnh Ngọc Linh, già nhớ như in hồi mới tham gia cách mạng năm 1979 lúc còn là thanh niên khoẻ mạnh, trai tráng.
Già gùi đạn, lương thực lên núi Ngọc Linh tiếp tế cho bộ đội quãng đường cả trăm cây số. Hồi ấy bác khoẻ lắm, chẳng ốm đau gì cả, mỗi chuyến có thể gùi chừng 50 kg đi phăng phăng. Những chuyến đi, già luôn mang theo cây thuốc giấu (sâm Ngọc Linh) để mỗi lần mệt, đói sẽ lấy ra nhấm nháp cho tỉnh người, chữa đau bụng.
“Hồi ấy có biết cây thuốc giấu đắt như bây giờ đâu. Chỉ là thấy nó như cây thuốc khác, có tác dụng làm người mình khoẻ lên, chữa đau bụng thì cứ ăn thôi. Hồi ấy thuốc giấu mọc như cỏ dại, đi ven suối bác nhặt cả bao tải về để ở nhà đun nước uống, sau này hoà bình mới chuyển xuống dưới để thuận tiện đi lại”, già Mập nhớ lại.
Đổi thay nhờ sâm Ngọc Linh
Nhắc về vai trò của thanh niên trong phát triển sâm Ngọc Linh, anh A Trung hồ hởi chia sẻ, từ Kết luận số 08 (ngày 24/2/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ trồng sâm Ngọc Linh nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá, xây được nhà mới khang trang”.
2 năm qua, Huyện đoàn đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đơn cử, như tổ Hợp tác của đoàn viên thanh niên trồng “Trồng sâm Ngọc Linh” của các xã đoàn Măng Ri, Ngok Lây, Tê Xăng. Mỗi tổ có 21 thành viên tham gia. Qua đó, đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để phát triển sâm Ngọc Linh.
Nhờ chịu khó học hỏi, làm kinh tế mà gần xa ai cũng biết tới anh A Vui, Phó Bí thư xã đoàn Măng Ri.
“Hồi xưa em làm hợp đồng cho Ban quản lý rừng phòng hộ. Từ lúc chuyển qua làm công tác đoàn, em được tiếp cận với những mô hình, cách làm hay. Nhờ vậy mà giờ em đang cùng công nhân chăm sóc, bảo vệ 500 cây sâm Ngọc Linh gần 5 năm tuổi. Ngoài ra, em có 3 sào sâm dây, hơn 1ha cây cà phê. Em lên rừng, còn vợ ở nhà chăm sóc con cái, nuôi mấy con bò. Đời sống của anh em trong tổ được cải thiện, kinh tế khấm khá hơn”, A Vui chia sẻ.
Anh A Nguyệt, SN 1993, Bí thư xã đoàn Văn Xuôi, còn phát triển hơn 1ha cây mắc ca, tạo công ăn việc làm cho 3 thanh niên trong làng để chăm sóc, trồng 100 cây sâm Ngọc Linh của mình. Cũng từ hiệu quả từ mô hình trồng sâm Ngọc Linh được lan toả người làng ngày càng có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
A Trung, Bí thư huyện Đoàn Tu Mơ Rông nói: “Nhờ các mô hình hay mà thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi cách làm, xóa bỏ tư duy lạc hậu, tự ti. Giờ đây, thanh niên của huyện đang cùng nhau chia sẻ, tìm ra cách chữa bệnh, chăm sóc cho sâm Ngọc Linh phát triển tốt. Đặc biệt là phải tuyên truyền đến bà con cảnh giác với tình trạng sâm Ngọc Linh giả xâm nhập vào địa bàn”.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác lên thăm vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới ở xã Măng Ri.
Thủ tướng căn dặn người dân nên liên kết, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để trồng sâm, không sản xuất manh mún nhỏ lẻ và phải liên kết với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất.
Thủ tướng chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương chú trọng xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, chú trọng giao đất giao rừng cho người dân trồng sâm, làm giàu từ rừng.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cuoc-song-khoi-sac-cua-nguoi-dan-noi-thanh-dia-sam-ngoc-linh-a74255.html