Tp.HCM thí điểm cán bộ làm việc tại nhà: Chú trọng hiệu quả, chủ động

Sở Nội vụ Tp.HCM khẳng định, thí điểm mô hình cán bộ làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn làm việc tại công sở và chỉ áp dụng đối với một số vị trí nhất định.

Dựa vào đặc thù của vị trí việc làm

Theo dự thảo đề cương đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, Tp.HCM sẽ nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Sĩ Long, Phó phòng Công chức, Viên chức (Sở Nội vụ Tp.HCM) cho rằng, việc nghiên cứu thí điểm này là phù hợp và xuất phát từ điều kiện thực tiễn.

Cụ thể, Tp.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công. Các định hướng về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Trong giai đoạn giãn cách để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã thích ứng nhanh với phương thức làm việc trực tuyến.

Do đó, việc nghiên cứu cho một số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các vị trí không tiếp xúc, không thực hiện thủ tục hành chính sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Dân sinh - Tp.HCM thí điểm cán bộ làm việc tại nhà: Chú trọng hiệu quả, chủ động

Tp.HCM đang nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp.

Đại diện Sở Nội vụ Tp.HCM làm rõ thêm, trong quá trình thí điểm, thành phố sẽ lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần, một số vị trí việc làm cụ thể. Sau một thời gian áp dụng, địa phương sẽ sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện, những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp so với trước khi thí điểm.

Ngoài ra, việc cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải căn cứ vào đặc thù của vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Trước mắt, Tp.HCM chỉ thực hiện thí điểm đối với các vị trí không phải là các vị trí liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

“Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm đối với công việc được cấp có thẩm quyền phân công. Việc thí điểm làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn cho mô hình làm việc tại công sở", ông Long khẳng định.

Quan trọng đánh giá hiệu quả công việc

Đánh giá vấn đề này, Th.s Đậu Ngọc Linh, Học viện Cán bộ Tp.HCM chỉ ra, có thể thấy ưu điểm lớn nhất của cơ chế này là tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động của nền công vụ, phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, giúp cán bộ có không gian sáng tạo, nâng cao hiệu suất làm việc, đồng thời giảm tải các sức ép về cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông…

Tuy nhiên, một số bất cập cần phải được xem xét, tính toán đó là tính kỷ luật trong lao động, yêu cầu về điều kiện làm việc và kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ với những vị trí được thí điểm.

“Có thể thấy đây là một cách làm mới, cần được ủng hộ triển khai thí điểm. Quá trình thí điểm tại Tp.HCM sẽ là cơ hội đánh giá, nghiên cứu để quyết định cơ chế triển khai phù hợp cho cả các địa phương khác trên cả nước”, bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh, khi thí điểm cơ chế, Tp.HCM cũng cần xác định tỉ lệ thời gian làm việc tại nhà phù hợp với tổng thời gian làm việc của vị trí việc làm được thí điểm. Trong đó, khuyến nghị chỉ áp dụng với mức tối đa là 50% tổng thời gian làm việc với cán bộ hành chính và không quá 70% thời gian với các vị trí liên quan đến sự sáng tạo, nghệ thuật, nghiên cứu. Từ đó tạo ra sự hài hòa trong hoạt động công vụ, chủ động giải quyết các công việc tại trụ sở đơn vị và đảm bảo sự gắn kết tại nơi làm việc.

Cử tri Lưu Kim Ngân, ngụ quận 5 ý kiến, cần cụ thể hóa nội dung công việc theo của người làm việc tại nhà theo thời gian như việc cần làm hàng ngày, việc cần làm hàng tháng, việc cần làm hàng năm.

Các cơ quan nên có sổ theo dõi công việc hàng ngày, công việc hàng tháng, công việc hàng năm của mỗi cán bộ công chức làm việc tại nhà để cập nhật liên tục.

Người quản lý phải theo dõi tiến độ công việc của mỗi người qua mạng và nhắc nhở tiến độ công việc của họ. Cũng cần xây dựng phần mềm thích hợp đảm bảo sự tương tác giữa nhân viên và người quản lý thuận tiện.

Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1 cho rằng, cơ chế thí điểm cán bộ làm việc tại nhà sẽ thay đổi tư duy về giao việc. Trong đó, khi áp dụng thí điểm cơ chế cho cán bộ làm việc tại nhà là cần phải có khung pháp lý quy định rõ hơn trên cơ sở “đề án vị trí việc làm” của từng cán bộ công chức. Khung tiêu chí đánh giá hiệu quả mức độ hoàn thành nhiệm vụ, phần mềm quản trị công việc dùng chung, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin…

“Bên cạnh đó, điều quan trọng là sự thay đổi quan niệm, tư duy về giao việc, giám sát công việc trong giai đoạn hiện nay. Trước đây, giao việc, giám sát công việc bằng hình thức trực tiếp, thường xuyên, thông qua phương tiện là báo cáo, các cuộc họp. Giờ đây giao việc, giám sát công việc phải bằng nhiệm vụ đầu cuối, giám sát bằng kết quả cuối cùng, hạn chế dần việc giám sát bằng hình thức trực tiếp”, ông Thanh đề xuất.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tphcm-thi-diem-can-bo-lam-viec-tai-nha-chu-trong-hieu-qua-chu-dong-a74118.html